Xã hội
Thí điểm nhiều mô hình cai nghiện mới để mang lại hiệu quả tốt hơn
11:46 AM 30/07/2020
(LĐXH)-Hiện nay, tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội còn khó khăn, phức tạp. Cai nghiện ma túy là một nhiệm vụ cấp bách, lâu dài. Vì vậy, mặc dù còn nhiều thách thức song những năm qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố Hà Nội đã thực sự vào cuộc vào cuộc, cùng đồng lòng, chung sức tổ chức tốt công tác cai nghiện và quản lý sau cai, góp phần đảm bảo phát triển đồng bộ giữa kinh tế và ổn định xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố.
Buổi học văn hóa, pháp luật và đạo đức của học viên cai nghiện ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội 
Tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu cai nghiện của người nghiện và gia đình
Theo Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội (LĐTB&XH), hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, tình hình tệ nạn ma túy đang có chiều hướng phức tạp, hình thức hoạt động ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Nếu như trước đây, đại đa số người sử dụng các chất dạng thuốc phiện (Opiats) thì hiện nay, phần lớn chuyển sang dùng ma túy tổng hợp (ATS), đáng báo động là số người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng tăng cao, người nghiện ma túy có xu hướng ngày càng trẻ hóa, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, phát sinh nhiều vụ việc gây bức xúc xã hội. Đặc biệt, tỷ lệ tái nghiện mặc dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao, chưa có chính sách thu hút các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế tiếp nhận người sau cai vào làm việc nhằm tạo công ăn việc làm ổn định, hòa nhập cộng đồng…
Trước tình hình đó, thành phố Hà Nội đã luôn quan tâm chỉ đạo áp dụng các hình thức cai nghiện, điều trị nghiện có tính xã hội hóa cao nhằm huy động mọi nguồn lực ở cộng đồng, đặc biệt là công tác vận động, tư vấn và tổ chức cho người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tự nguyện tại các Cơ sở Cai nghiện ma túy.
Các học viên đang cai nghiện ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội 
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác cai nghiện, đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu điều trị nghiện ma túy của người nghiện và gia đình họ, Thành phố đã xây dựng Đề án thí điểm cai nghiện tự nguyện trong 2 năm (2015-2016), qua đó giảm đáng kể số người phải vào cơ sở cai nghiện ma túy bằng hình thức bắt buộc. Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 14/5/2020, đã vận động và đưa 9.914 người đi cai nghiện tự nguyện tại các Cơ sở cai nghiện, ước thực hiện giai đoạn 2016-2020 là 10.908/9.500 đạt 114,8% theo kế hoạch. Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố có 3 Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, đã tổ chức cai nghiện cho 4.859 lượt người.

Các thành viên có thành tích trong cai nghiện được Cơ cở cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội tặng quà

Đối với người nghiện tại cộng đồng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Thành phố đã hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ đồng thời áp dụng 1 hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc điều trị thay thế bằng Methadone trên cơ sở đăng ký của người nghiện. Xã, phường, thị trấn không đủ điều kiện để tổ chức điều trị cai nghiện sẽ phối hợp Cơ sở Cai nghiện ma túy hỗ trợ cắt cơn cho người cai nghiện trong 15 ngày, sau đó về địa phương quản lý, giúp đỡ. Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 15/4/2020, đã tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 2.283 lượt người, ước thực hiện giai đoạn 2016-2020 là 2.523/1.500 lượt người đạt 168,2% theo kế hoạch.
Công tác cai nghiện bắt buộc được các Sở, ngành và địa phương tích cực thực hiện. Từ ngày 1/1/2016 đến 14/5/2020 đã đưa 3.601 lượt người vào cai nghiện bắt buộc tại các Cơ sở cai nghiện ma tuý, ước thực hiện giai đoạn 2016-2020 là 4.052/3.000 người, đạt 135,1% theo kế hoạch.
Ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, trong những năm qua, công tác cai nghiện ma túy đã được Thành phố Hà Nội quan tâm lãnh đạo, triển khai toàn diện trên tất cả các mặt với nhiều giải pháp hữu hiệu, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, nhờ đó, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã giảm từ 20.964 người năm 2010 xuống còn 13.021 người tính đến tháng 5/2020.
Triển khai nhiều giải pháp và mô hình trong quản lý và hỗ trợ cai nghiện

Khám sức khỏe cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội

Ông Phùng Quang Thức cho biết, mặc dù công tác cai nghiện ma tuý đạt nhiều kết quả tích cực, việc gia tăng người nghiện đã được kìm chế, song chưa vững chắc. Do đó, bên cạnh việc thực hiện các quy định chung của pháp luật, định hướng đổi mới công tác cai nghiện ma tuý của Chính phủ, Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, nhiều mô hình hiệu quả trong việc quản lý, hỗ trợ người cai nghiện ma tuý và công tác quản lý sau cai.
Thực hiện Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội đã chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ 10 Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội thành 7 Cơ sở cai nghiện ma túy, đáp ứng yêu cầu điều trị nghiện trong tình hình mới, trong đó có 1 cơ sở thực hiện chức năng cai nghiện tự nguyện, 3 cơ sở cai nghiện bắt buộc, 3 cơ sở điều trị đa chức năng và thành lập cơ sở điều trị Methadone tại các Cơ sở cai nghiện ma tuý số 5, 6, 7. Hiện 7 Cơ sở đang tiếp nhận, điều trị cho tổng số 3.050 người nghiện. Cùng với đó, Hà Nội đã xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng điều trị nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý, hình thành các cơ sở đáp ứng đủ điều kiện vật chất, trình độ, năng lực, cung cấp đa dạng các dịch vụ điều trị nghiện, can thiệp đồng bộ cho người nghiện về sức khoẻ, nhận thức, kỹ năng dự phòng tái nghiện và tìm kiếm việc làm, tái hoà nhập cộng đồng. Từ 2016-2019, các Cơ sở phối hợp với đơn vị dạy nghề đã tổ chức dạy nghề phổ thông như sửa chữa điện dân dụng, may công nghiệp, hàn, xây dựng…cho 1.303 người nghiện.
Người nghiện ma tuý là những đối tượng đặc thù, nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, nhiễm HIV/AIDS… là đối tượng yếu thế trong xã hội, cần được hỗ trợ cai nghiện và hoà nhập cộng đồng. Sở LĐTB&XH Hà Nội đã báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành các Nghị quyết về công tác cai nghiện. Các chính sách đặc thù của Hà Nội đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người nghiện và gia đình họ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đối với người cư trú tại Hà Nội tự nguyện cai nghiện, nhờ đó đã thúc đẩy công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma tuý. Thành phố Hà Nội cũng đã duy trì và phát triển nhiều mô hình hiệu quả trong phòng chống tệ nạn xã hội như mô hình Câu lạc bộ B93 tại 37 phường, thị trấn trở thành địa điểm sinh hoạt, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau về tinh thần và sinh kế của người nghiện, người sau cai nghiện ma túy. 
Năm 2019, Hà Nội xây dựng 3 Đề án, mô hình mới trong công tác tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma tuý tại cộng đồng, trong đó đã triển khai 2 mô hình: “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng”; mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý”. Kết quả đã tư vấn, chuyển gửi 197 người nghiện ma tuý đến các dịch vụ như xét nghiệm, điều trị dự phòng HIV, điều trị Methadone, hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm, điều trị sức khoẻ tâm thần… Bước đầu đã tạo được niềm tin cho người nghiện ma tuý tại cộng đồng, đem lại các lợi ích thiết thực cho họ, hiện các mô hình đang tiếp tục được nhân rộng ra các xã, phường, thị trấn, mục đích hướng đến giảm tỷ lệ người sử dụng ma tuý vi phạm pháp luật, tạo điều kiện để họ được sử dụng các dịch vụ xã hội, phòng chống tái nghiện, hoà nhập cộng đồng.
Giải pháp khắc phục khó khăn và những thách thức
Sau thời gian cai nghiện cắt cơn, các học viên được học nghề và tham gia lao động sản xuất để rèn luyện sức khỏe và có kỹ năng hòa nhập cộng đồng. 
Tuy nhiên, theo ông Phùng Quang Thức, bên cạnh những mặt tích cực thì hiện nay tình hình tệ nạn ma tuý vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, công tác cai nghiện ma tuý vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của cả nước, người dân ngoại tỉnh tập trung đông học tập, làm ăn sinh sống với nhiều thành phần, trình độ văn hoá, nghề nghiệp,… khác nhau khiến cho tình hình tệ nạn ma tuý luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp.
Về nhận thức, một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nghiện ma tuý và người nghiện, cho rằng đã nghiện thì không thể cai được hoặc cai rồi lại tái nghiện là hoàn toàn thất bại... Những nhận thức cũ đó tạo ra sự kỳ thị, cách ứng xử chưa đúng đối với người nghiện và việc thực hiện nhiệm vụ cai nghiện ma tuý.
Về chính sách pháp luật: có nhiều điểm chưa thống nhất giữa pháp luật về phòng chống ma tuý, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các luật có liên quan, vì vậy quá trình thực hiện nhiệm vụ cai nghiện còn nhiều khó khăn.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở địa phương nhiều nơi, nhiều lúc chưa kịp thời, sâu sát; việc thực hiện các chỉ tiêu cai nghiện và quản lý sau cai chưa thực sự bền vững, mang tính hình thức, tỷ lệ người nghiện được hỗ trợ học nghề, vay vốn, tạo việc làm còn hạn chế; đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại các địa phương thường xuyên thay đổi, kiêm nhiệm gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.
Hà Nội hiện đang thí điểm nhiều mô hình cai nghiện, đây đều là những mô hình mới, do đó quá trình triển khai tại các địa bàn cơ sở còn lúng túng trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai, thời gian tới Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu cho Thành phố triển khai thực hiện các giải pháp, các mô hình hiệu quả nhằm đổi mới công tác cai nghiện ma tuý. Đồng thời, thành phố có một số kiến nghị cụ thể đối với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội như sau:
Về chính sách pháp luật: Rà soát các quy định pháp luật về công tác cai nghiện ma túy và tham mưu sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh chồng chéo, giúp cho các địa phương triển khai đảm bảo thống nhất, hiệu quả.
Về kinh phí: Đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ đối với người nghiện, người sau cai nghiện ma túy; chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm và những người không hưởng lương từ ngân sách tham gia công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức kinh tế xã hội tiếp nhận và tạo việc làm cho người sau cai. Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện các đề án, mô hình thí điểm về công tác cai nghiện ma túy.
Về công tác đào tạo, tập huấn: Tăng cường các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tiếp cận, vận động, tư vấn đối với người nghiện cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các tỉnh, thành phố./.
Trần Thị Mỹ Hạnh