Văn hóa - Thể thao
Thế Hùng trác tuyệt như tôi biết
10:05 PM 18/05/2021
Dù có gặp nhau thường xuyên, hay thi thoảng mới được hội ngộ, rồi qua câu chuyện này chuyện kia, cái tình thắm thiết, thân thương của thầy trò chúng tôi vẫn chưa bao giờ hết thăng hoa, chưa bao giờ dưới “trác tuyệt”… Ấy là tôi nói về tình thầy trò mà Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng dành cho tôi...
Cái chuyến xe giữa trời đông giá rét đầu những năm 2000 do thầy tôi cầm lái chiếc Dream Thái chở tôi đi công tác tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình quê thầy, cho đến giờ vẫn in hằn trong trí nhớ tôi.
Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng
Một chuyến đi đầy nắng đầy gió nhưng cũng đầy lãng mạn, đúng chất lãng tử cuồn cuộn chảy trong con người Thế Hùng. Cái lãng tử của ông là cái lãng tử giữa cái hào hoa kết tinh của người gốc làng khoa bảng Nộn Khê (xã Yên Từ, Yên Mô, Ninh Bình) nhưng lại lớn lên giữa khu phố cổ Hà Nội, và lại đầy trí tuệ, tài năng, rồi cái nhiệt huyết hiếm thấy ở con người luôn luôn muốn được làm việc, được lao động, được cống hiến, rồi chỉ nhẹ nhàng mỉm cười hưởng thụ trên các tác phẩm thơ ca nhạc họa của chính mình.
Bản trường ca về biển Kim Sơn đăng trên Báo Văn nghệ năm 2005
Thế rồi, từ chuyến đi ấy, Thế Hùng đã có những tác phẩm để đời với bà con Kim Sơn, với bà con Ninh Bình - đó là bản trường ca về biển Kim Sơn và 2 ca khúc đậm đà tình quê (giờ đã trở thành “huyện ca” của Kim Sơn) với đặc trưng của cầu ngói, của đồng cói, của vị mặn mòi biển khơi... Còn tôi thì được mấy bài báo, trong đó có bài báo vinh danh những chiến công oanh liệt của Trung đội tiền tiêu Kim Đài (Trung đội dân quân phòng không Kim Đài), có nhuận bút để tiếp tục đeo đuổi với nghề báo gian nan những ngày mới chập chững vào nghề.
Bài hát “Về Kim Sơn đi em” đã trở thành “huyện ca” của Kim Sơn
Ấy là ôn nghèo kể khổ chút thôi. “Chứ nói về Thế Hùng thì chắc cả chục cuốn tiểu thuyết” – ngôn ngữ của Khắc Sơn - cậu học trò của thầy, cùng lớp tôi, giờ là Phó Tổng Biên tập tờ báo lớn nhất về Bóng đá tại Việt Nam. Chúng tôi học khoa Văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội). Thầy Thế Hùng dạy chúng tôi môn học lần đầu tiên được biết đến: Mỹ học. Chỉ nghe cái tên môn học thôi đã thấy đáng yêu đến mức nào.
TS. Thế Hùng với các sinh viên lớp Văn K43 trong một chuyến đi thực tế
Sau này, TS. Thế Hùng cứ nhắc ở mọi giảng đường, mọi lớp tập huấn, mọi khóa học ở nhiều đối tượng rằng, “sao cái lớp K43 Văn lại đáng yêu đến dã man, đáng yêu kinh khủng vậy. Những cái tên Hiền, Hằng, Sơn, Kế, Dương, Khánh, Phương, Hưng, Lan… là bao kỷ niệm với Thế Hùng”!... Lớp tôi làm cả một cuốn lưu bút to tổ chảng, chất chứa đầy kỷ niệm, khi chúng tôi chia tay thầy để rời mái trường đại học.
Lại nói về Thế Hùng. Cái điều kỳ lạ của thầy là ở đâu cũng toát lên cái vẻ sang trọng, lịch lãm, cái gu thẩm mỹ đúng chất của “Tiến sỹ Mỹ học”, từ cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, cho đến cả cái cách thể hiện trong các tác phẩm thơ ca nhạc họa của mình.
Có những câu thơ của Thế Hùng đạt đến độ “trác tuyệt” (từ Thế Hùng hay dùng trong Mỹ học, với biểu hiện ý nghĩa là đẹp tột cùng, trên cả đẹp), nhất là trong lòng bao thế hệ sinh viên, học viên ở khắp mọi miền trên Tổ quốc:
“Anh
Lớn khôn
Dưới bầu vú mẹ
và
Dại khờ
Trước – vòm – ngực – của – em…”.
Hay:
“Ly cốc chạm nhau
Anh hôn nhầm cô gái khác…
Lúc say cười
Khi tỉnh khóc
Em xóa dần anh
bằng nước mắt
Em – xóa – anh – bằng – một – chàng – trai”.
Các thế hệ học trò của Thế Hùng đều chung niềm kính trọng và sự gần gũi thân thương trìu mến của những tâm hồn đồng điệu
Vốn làm nghề báo, lân la khắp hang cùng ngõ hẻm, gặp đủ thành phần trong xã hội. Điều kỳ lạ là, ở rất nhiều nơi, từ lớp học, bàn nhậu, cho đến các cuộc họp hành, dã ngoại…, tôi đều thường xuyên được nghe người ta nhắc đến Thế Hùng.
Có người đang kể chuyện vừa học lớp kỹ năng, ứng xử văn hóa của Thế Hùng; có người trố mắt nhìn Thế Hùng biểu diễn ảo thuật; có nhóm yêu thơ ca thì thì thụp đọc thơ của Thế Hùng; rồi giới chơi tranh, giới nhạc. Đặc biệt, Thế Hùng cũng là người thầy góp phần quan trọng đào tạo ra nhiều nhạc sỹ tên tuổi như Đỗ Bảo, Hồ Hoài Anh và các ca sỹ thành danh như Trọng Tấn, Anh Thơ, Khánh Linh, Lê Anh Dũng, Quang Hào…; rồi nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo có tên tuổi trên dải đất hình chữ S này.
Tất cả nhắc đến Thế Hùng đều chung niềm kính trọng và sự gần gũi thân thương trìu mến của những tâm hồn đồng điệu.
Chỉ bằng những điều ấy thôi, tôi nghĩ, trên đời này cũng chả nhiều người làm được. Thế nên, dù có viết bao câu chữ về Con – Người – Mỹ - Học – Thế - Hùng thì cũng chưa vượt qua cái từ mà bao người vẫn nhắc: Thế Hùng trác tuyệt!
Đức Kế