Xã hội
Tháo gỡ vướng mắc trong xác định đối tượng hưởng gói hỗ trợ do dịch Covid-19
10:11 AM 27/05/2020
(LĐXH)- Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, một số địa phương đã gặp khó khăn, vướng mắc trong xác định đối tượng là hộ kinh doanh và người lao động.
Phản ánh với đoàn công tác của Bộ LĐTB&XH, do ông Tô Đức – Phó Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo, dẫn đầu tới làm việc tại Yên Bái vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Bắc – Phó Chủ tịch thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên cho biết: Trong quá trình triển khai rà soát nhóm đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu còn gặp khó khăn trong việc xác định mức thu nhập bình quân dưới chuẩn cận nghèo, do một số hộ gia đình không trung thực trong việc kê khai thu nhập.
Ông Tô Đức tại buổi làm việc về tình hình chi trả gói trợ cấp xã hội tại huyện Trấn Yên - Yên Bái
Theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, người lao động mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59 của Chính phủ sẽ được hỗ trợ. Nhưng theo quy định, thì căn cứ vào thời điểm trong thời gian từ ngày 1/4 - 30/6/2020 xác định để biết hộ đó thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo là rất khó khăn.
Việc xác định đối tượng lao động tự do được hưởng hỗ trợ của Chính phủ rất khó. Bởi thông tin về việc làm và thu nhập chính trước khi mất việc làm trong hướng dẫn chỉ nêu một số nghề như bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe…
Nhưng trên thực tế, qua rà soát trên địa bàn có nhiều lao động như làm nghề thợ xây, phụ hồ, lao động thời vụ, làm vệ sinh trong các nhà trường, nấu ăn trong các nhà trường… nhưng không thuộc đối tượng hỗ trợ gây nên nhiều ý kiến trong nhân dân.
Đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động có quy định nhóm đối tượng được hưởng nhưng đối với hộ có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng không có quy định cụ thể nhóm ngành nghề được hưởng. Cụ thể đối tượng làm đẹp, thể thao, giải trí không thuộc nhóm đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động được hỗ trợ nhưng một số đối tượng là hộ có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng gây nên nhiều ý kiến tranh luận giữa các tổ dân phố khi triển khai chính sách.
Ông Bùi Tiến Minh – Tổ trưởng tổ dân phố số 3 thị trấn Cổ Phúc, người trực tiếp gặp gỡ, khảo sát và lập danh sách nêu quan điểm: Cần lãm rõ các khái niệm như “giảm sâu thu nhập”; các đối tượng như làm nghề cắt tóc, gội đầu, dạy yoga, trang điểm cô dâu, trồng răng... có được xếp vào nhóm “làm đẹp” không? Bởi sau khi rà soát đã loại ra nhóm lao động này.
Ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở LĐTB&XH Yên Bái thông tin về tình hình chi trả tại địa phương
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Yên bái cũng chia sẻ, chưa có hướng dẫn về tiêu chí để xác định đối với người lao động mất việc làm thuộc lĩnh vực “phi nông nghiệp” đối với những trường hợp cùng lúc tham gia làm việc ở 2 ngành, nghề trở lên, trong đó có cả ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Cùng với đó, một số hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú... có thu nhập rất tốt. Nhưng do phải yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh nên trong thời gian đóng cửa do có thu nhập dưới ngưỡng cận nghèo, thậm chí không phát sinh thu nhập. Tuy đời sống của họ chưa bị ảnh hưởng nhiều, nhưng đối chiếu với quy định tại Điều 7 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg thì các trường hợp này có đủ điều kiện để xét hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với nguyên tắc hỗ trợ cho các đối tượng “Giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu” đã nêu tại Điều 1 Nghị quyết số 42 thì lại không phù hợp...
Theo ông Tô Đức, theo quy định hiện nay, các điều tra viên có trách nhiệm phối hợp với cán bộ chuyên trách về giảm nghèo là trưởng thôn để rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo lập danh sách. Kết quả rà soát đó sẽ được trưởng thôn tổ chức họp thôn để lấy ý kiến nhân dân, thống nhất với nhân dân về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn và trình chủ tịch xã để thực hiện niêm yết công khai. Theo quy định hiện hành thì Chủ tịch UBND cấp xã là người có thẩm quyền phê duyệt quyết định công nhận hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn cấp xã và cũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện việc rà soát.
Ông Tô Đức khẳng định, quá trình triển khai chính sách đối với nhóm đối tượng hộ kinh doanh và người lao động sẽ khó khăn phức tạp hơn. Do đó, đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục tập trung cao trong chỉ đạo, bám vào các hướng dẫn để triển khai đúng quy định. UBND các huyện, thị xã, thành phố phân công cán bộ xuống chỉ đạo, kiểm tra giám sát cơ sở, bảo đảm thực hiện nghiêm hướng dẫn của ngành, huyện, bảo đảm đúng đối tượng, chi trả kịp thời. Đồng thời yêu cầu Sở LĐTB&XH tổng hợp những kiến nghị về các đối tượng không thuộc thẩm quyền của tỉnh để báo cáo Bộ LĐTB&XH xem xét, giải quyết./.
Dương Thìn