Xã hội
Thành phố Sơn La: Điểm sáng trong thực hiện công tác người có công
09:43 AM 15/06/2017
LĐXH - Trên địa bàn thành phố Sơn La, thời gian qua, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” được thành phố xác định là nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời, là trách nhiệm và tình cảm để thể hiện sự tri ân của cán bộ, nhân dân toàn huyện đối với những người có công với cách mạng.

Theo thống kê, đến đầu năm 2017, tỉnh Sơn La có trên 2,2 vạn người có công. Trong đó có hơn 3.800 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Với số lượng đối tượng tương đối lớn, tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người có công; vận động toàn dân chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công và gia đình chính sách...

Riêng trên địa bàn thành phố Sơn La, thời gian qua, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” được thành phố xác định là nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời, là trách nhiệm và tình cảm để thể hiện sự tri ân của cán bộ, nhân dân toàn huyện đối với những người có công với cách mạng.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Sơn La

Ông Lê Văn Kền, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, trong năm 2016, phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách an sinh xã hội đến cơ sở và quần chúng nhân dân, đảm bảo người có công được thụ hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi. Công tác chi trả chế độ trợ cấp thường xuyên được triển khai kịp thời với số tiền hơn 15 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp nhận và thanh toán trợ cấp ưu đãi giáo dục cho các trường hợp là con thương binh, bệnh binh; trợ cấp một lần cho những người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong và thân nhân; chế độ mai táng phí được thực hiện nhanh chóng, đầy đủ cho thân nhân người có công với cách mạng và các chế độ khác.

Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Bó (phường Chiềng An) hiện nay là ông Lù Văn Lịch. Ông Lịch đã 63 tuổi, ông bị thương trong trận 1979 ở Hà Tuyên (Tuyên Quang). Sau đó, trải qua nhiều vị trí công tác, trước khi nghỉ hưu, ông thuộc biên chế tại Ban Chấp hành quân sự thành phố Sơn La. Về địa phương, ông Lịch tham gia công tác chính quyền, được đi tập huấn để chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho các hội viên Hội Nông dân.  

Thương binh Lù Văn Lịch sống chung cùng mẹ là người dân tộc Thái

Chia sẻ về cuộc sống riêng, ông Lịch cho biết ông rất hài lòng, cảm thấy biết ơn sự hỗ trợ, quan tâm của chính quyền địa phương đối với những thương bệnh binh như ông. Ông Lịch cho biết: “Làm kinh tế bây giờ cũng khó khăn lắm vì nhiều biến động nên thu nhập không ổn nhưng mỗi tháng tôi có trợ cấp bệnh binh, khéo thu vén cũng sống được. Hơn nữa, Bản Bó miễn đóng góp ngày công vì sức khỏe tôi kém rồi, đoàn Thanh niên giúp sửa sang vườn tược, nhà cửa, chi hội Phụ nữ động viên, chỉ bảo kỹ thuật làm ăn, nói về cách sống vợ chồng, con cái. Mọi thứ đều được cả, chỉ mỗi cái nhà ở cho người có công thì có chủ trương làm rồi, chờ thành phố bố trí kinh phí làm nhà là an tâm”.

Thành phố Sơn La không hiếm những tấm gương thương binh vượt khó vươn lên trong cuộc sống như ông Lù Văn Lịch. Đó là tổng hòa của ý chí kiên cường của những người lính bộ đội cụ Hồ và sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, chăm sóc người có công xuyên suốt trong toàn hệ thống chính trị, được sự đồng thuận của quần chúng nhân dân.

Nhà cửa của các hộ chính sách là người đồng bào cũng đã quy củ,

đời sống tương đối khấm khá

“Việc thực hiện tốt chính sách đối với người có công không chỉ giúp nâng cao đời sống các gia đình chính sách, người có công mà còn góp phần quan trọng trong củng cố, tăng cường sự đồng thuận tại các khu dân cư, giúp địa phương hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Sơn La”, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố nhấn mạnh./.

Trần Huyền