Xã hội
Thành phố Nam Định: Chú trọng các giải pháp giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân
10:54 AM 24/05/2019
Những năm qua, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các phường, xã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo. Nhờ đó, các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, phường thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo trong cán bộ, nhân dân. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo; triển khai công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động thuộc diện hộ nghèo gắn với giảm nghèo.
Hàng năm, UBND thành phố chỉ đạo các phường, xã tổ chức rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo để tham mưu biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo được tập huấn, phổ biến chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo; xây dựng kế hoạch, đánh giá kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo hàng năm; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hộ nghèo; phương pháp điều tra, rà soát, xác định hộ nghèo; kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp cận các chính sách giảm nghèo của Nhà nước về hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, giáo dục, y tế, nhà ở, bảo trợ xã hội… Qua đó từng bước nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cũng như nâng cao hiệu quả triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo.
Trao tặng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn thành phố

Một trong những giải pháp trọng tâm thực hiện công tác giảm nghèo là thành phố tích cực tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ về vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo đầu tư kinh doanh, buôn bán, sản xuất để có cơ sở thoát nghèo bền vững. Hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố triển khai cho vay 8 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn: cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay giải quyết việc làm; cho vay xuất khẩu lao động; cho vay hộ nghèo về nhà ở. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng trong năm 2016 đạt 71,7 tỷ đồng; năm 2017 đạt 70,2 tỷ đồng; năm 2018 đạt 71,2 tỷ đồng, với trên 2.000 lượt hộ vay vốn mỗi năm, đáp ứng kịp thời vốn của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm kinh tế hộ.
Cùng với việc được vay vốn, các hộ nghèo, cận nghèo còn được tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký, hỗ trợ học nghề; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Các đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên tuyên truyền và hướng dẫn đoàn viên, hội viên quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế…
Để giúp người nghèo có cơ hội tìm kiếm việc làm, thành phố quan tâm hỗ trợ dạy nghề lồng ghép chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn với dạy nghề cho người nghèo, phụ nữ nghèo thành thị, bộ đội xuất ngũ. Thực hiện Đề án 1956, hàng năm, thành phố mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 500-700 lao động nông thôn, với các nghề: may công nghiệp, cơ khí, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, sửa xe máy, chăm sóc, cắt tỉa cây, chăn nuôi...
Bên cạnh đó, thành phố cũng tạo điều kiện, chính sách thu hút các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh trên địa bàn, giải quyết việc làm cho người lao động. Nhờ đó, nhiều lao động thuộc diện nghèo đã có nghề, tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Ngoài ra, thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi giúp người nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục. Trong 3 năm qua, thành phố đã cấp 19.349 thẻ bảo hiểm y tế, trong đó: 8.620 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo; 10.729 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, với tổng trị giá 13,582 tỷ đồng. Việc triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo cũng được thành phố quan tâm chỉ đạo và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Trong 3 năm (2016-2018), Quỹ Vì người nghèo của thành phố đã nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tạo nguồn lực hỗ trợ xây mới, sửa chữa hơn 70 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, với tổng số tiền trên 850 triệu đồng. Ngoài ra, con em hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí theo Nghị định số 49/NĐ-CP của Chính phủ. Trong 3 năm qua, có gần 1.900 lượt học sinh được miễn giảm học phí, với kinh phí gần 1 tỷ đồng; gần 1.800 lượt học sinh được hỗ trợ chi phí học tập với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Cũng trong 3 năm qua, các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện, với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng… giúp các hộ nghèo giảm bớt khó khăn và có điều kiện vươn lên cải thiện cuộc sống.
Riêng trong năm 2018, thành phố Nam Định đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức tập huấn và triển khai công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố. Cấp thẻ BHYT cho 2.400 người nghèo với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng, 3.350 người cận nghèo, với kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng. Hỗ trợ chi phí  học tập cho 63 lượt học sinh sinh viên theo Nghị định 74 với kinh phí hơn 141 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ ngày vì người nghèo, thành phố đã hỗ trợ xây mới nhà ở cho 01 hộ nghèo với kinh phí 40 triệu đồng, sửa chữa nhà ở cho 01 hộ nghèo với kinh phí 20 triệu đồng. Hỗ trợ tiền điện cho 6.117 lượt hộ nghèo với kinh phí 935 triệu đồng.
Với việc triển khai các giải pháp đồng bộ công tác giảm nghèo của thành phố, 100% hộ nghèo, cận nghèo của thành phố được tiếp cận các dịch vụ xã hội và các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống. Tính đến cuối năm 2018, thành phố Nam Định còn 2,13% tỷ lệ hộ nghèo, giảm 0,27% so với năm 2017
Trong thời gian tới, thành phố Nam Định tập trung thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Linh hoạt lồng ghép mục tiêu giảm nghèo bền vững vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, hướng đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân./. 
PV