Xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh: Nhanh chóng đưa tiền hỗ trợ đến với dân nghèo
11:21 AM 29/07/2021
Những ngày này, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16) để dập dịch Covid-19 nhưng không vì thế mà việc chi trả các gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh bị chậm trễ. 10 ngày qua, thành phố đã đồng thời thực hiện chi trả hai gói hỗ trợ (gói 886 tỷ đồng của TP Hồ Chí Minh và gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ) rất kịp thời, giúp người dân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Rà soát kỹ từng đối tượng
Ngày 5-7, UBND TP Hồ Chí Minh đã thông tin về triển khai thực hiện gói hỗ trợ lần 2 của thành phố đối với người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo Nghị quyết 09 của HĐND thành phố. Đồng chí Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Điều quan trọng là phải rà soát kỹ để không bỏ sót người nào. Các gói hỗ trợ sẽ được thực hiện ngay trong tháng 7 và kết thúc vào tháng 8-2021”.
Người lao động nghèo ở quận Gò Vấp nhận tiền từ gói hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh
Những người được nhận hỗ trợ lần này bao gồm: Người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh để phòng, chống dịch. 
Hiện, một số đối tượng không nằm trong hướng dẫn của Công văn số 2209/UBND-KT ngày 1-7-2021 của UBND thành phố về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống nhưng họ vẫn được lập danh sách để khi có tiền hỗ trợ là triển khai ngay. Bên cạnh đó, những người lao động khó khăn chưa đăng ký tạm trú cũng được các phường, xã lập danh sách đưa công an xác nhận để báo cáo lên trên đề nghị cấp tiền hỗ trợ. Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh: "Người lao động được nhận hỗ trợ không cần làm thủ tục nào, chỉ có riêng người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp mới làm giấy đề nghị hỗ trợ”.
Phương thức chi trả linh hoạt
Những ngày qua, công tác chi trả tiền hỗ trợ các gói cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh được tiến hành rất khẩn trương, có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt. Đa số công nhân được chi trả qua tài khoản ngân hàng, những người không có tài khoản thì mời đến nhận tại một địa điểm quy định, còn vận dụng như thế nào là do cấp cơ sở tự quyết định.
Hơn một tuần qua, lãnh đạo quận Tân Phú đã chỉ đạo các phường cử nhiều tổ thống kê xuống tận nhà dân lập danh sách những người cần hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo thời gian từ khi lập danh sách, xét duyệt hồ sơ, rút tiền và chi hỗ trợ cho người dân chỉ trong vòng 4-7 ngày”. Đến một số phường của quận Tân Phú như: Tân Sơn Nhì, Tây Thạnh, Tân Thới Hòa hay Phú Thạnh, Phú Trung, chúng tôi đều ghi nhận được tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền và các tổ công tác. Tại nhiều khu dân cư, người lao động nghèo ở đan xen trong các nhà trọ, hay sâu trong các hẻm nhỏ. Thành viên các tổ công tác đã cùng tổ trưởng dân phố đến tận nơi để thống kê và lập danh sách. Theo chị Lê Thị Thanh Mai, thành viên tổ công tác số 5, phường Phú Trung: “Bây giờ bà con mong mỏi tiền hỗ trợ lắm. Vì thế chúng tôi phải chạy đua với thời gian để giúp đỡ bà con”.
Người dân ngụ tại phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
TP Thủ Đức được xem là nơi tập trung công nhân, người lao động nghèo nhiều nhất của TP Hồ Chí Minh. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, đồng chí Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức nói rằng: “Hiện nay, các phường của Thủ Đức đã chi trả được hơn 40% số đối tượng đã lập danh sách và có nhiều cách làm hay, nhạy bén, sáng tạo để tiền nhanh đến tay bà con”. Như ở phường Hiệp Bình Chánh, số lượng cần hỗ trợ là 3.000 trường hợp lao động tự do, khi tiền trên cấp chưa kịp về, lãnh đạo phường đã ứng trước để chi trả cho bà con. Hay ở phường Thảo Điền, các khu phố, tổ dân phố đến tận nhà trao tiền cho người dân. Ngoài số tiền trợ cấp theo quy định, phường còn tặng thêm những người đặc biệt khó khăn 5kg gạo, 2 bịch muối và 10 gói mì.
Ở quận Bình Thạnh, ngoài việc đến tận nhà để chi trả tiền, các tổ công tác còn vào trong các khu cách ly, phong tỏa để trao tiền cho các đối tượng. UBND quận Bình Thạnh cũng tạm ứng hơn 500 triệu đồng để chi trả cho người dân. Các quận: Tân Phú, Gò Vấp, Tân Bình... thì lập những điểm dã chiến ở các khu phố để trao tiền cho người dân một cách nhanh nhất. Quận 12 đã chi trả gói hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh cho dân đạt 109% kế hoạch.
Niềm hạnh phúc của người nghèo
Gần trưa 15-7, hai cán bộ của phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú chạy xe máy đến con hẻm 925, đường Âu Cơ. Đi sâu khoảng 800m, các anh rẽ trái gần 100m nữa để đến một khu nhà trọ. Thấy mọi người trong các căn phòng ùa cả ra, ông Trần Văn Hưng là chủ nhà vội nhắc nhở: "Mọi người cứ ở tại phòng, đeo khẩu trang, cán bộ sẽ đến cấp tiền cho từng cá nhân". Nhìn thấy gương mặt phấn chấn, mừng rỡ của những người lao động nghèo mà hai cán bộ cảm động, rưng rưng.
Bà Nguyễn Thị Phèn, 54 tuổi, đến từ huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, rơm rớm nước mắt: "Tôi vô thành phố bán vé số được 6 năm rồi. Nhưng hơn một tháng qua, mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn. Nay nhận được tiền hỗ trợ của Trung ương và của TP Hồ Chí Minh, mừng quá đi". Cùng tâm trạng với bà Phèn là ông Huỳnh Bá Tấn, 50 tuổi, quê ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Cầm 1,5 triệu đồng trong tay, ông Tấn run run kể: "Tôi làm nghề chạy xe ôm. Từ khi dịch xuất hiện ở thành phố, tôi chỉ kiếm đủ tiền cơm cháo qua ngày cho bản thân. Chỉ mong sao dịch bệnh qua mau, để những người như chúng tôi được đi làm...".
Niềm vui của bà Phèn, ông Tấn cũng là niềm vui của hàng trăm nghìn người lao động, tiểu thương bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh. Tính đến hết ngày 16-7, toàn thành phố đã có hơn 243.000 người khó khăn được nhận tiền hỗ trợ. Tuy mức độ tiền hỗ trợ khác nhau và cũng chưa nhiều, nhưng hầu hết bà con đều cảm thấy ấm lòng và cảm kích trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. Những người lao động nghèo mong sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ khác của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và các mạnh thường quân, để họ vượt qua được giai đoạn đầy khó khăn này, để không bị thiếu đói, không bị bỏ lại phía sau./.

Lê Phi Hùng