Xã hội
Thanh Hóa trọn nghĩa vẹn tình với người có công
10:44 AM 08/02/2019
(LĐXH)- Phát huy đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa luôn xác định công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng là trách nhiệm lớn lao, là tình cảm và đạo lý cao cả, thể hiện nghĩa tình sâu sắc với những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập dân tộc.
Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cùng với cả nước, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp nhiều sức người, sức của góp chung vào cuộc chiến tranh giành lại độc lập, thống nhất đất nước. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Thanh Hóa đã tiễn đưa hàng chục vạn thanh niên lên đường nhập ngũ, trên 8 vạn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu, trong có gần 60 nghìn người con đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc.
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
đến thăm và tặng quà người có công tại Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hoá
Hiện toàn tỉnh đang quản lý gần 330.000 đối tượng người có công với cách mạng, trong đó có trên 4.572 mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 198 mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời), hơn 56.000 liệt sĩ; gần 46.000 thương binh, hơn 16.000 bệnh binh, 2.000 cán bộ lão thành cách mạng, khoảng 600 cán bộ tiền khởi nghĩa, gần 300 thân nhân cách mạng, gần 1.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, có trên 203 ngàn người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế... Toàn tỉnh cũng đang thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho hơn 78.000 đối tượng người có công với kinh phí 150 tỷ đồng/tháng.
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong năm 2018, toàn tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chế độ, chính sách mới cho 2.945 người có công với cách mạng, gồm: 337 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, đề nghị truy tặng 47 mẹ Việt Nam anh hùng, 12 trường hợp xác định liệt sỹ, 52 trường hợp xác định thương binh, ra quyết định trợ cấp một lần Huân chương kháng chiến cho 249 trường hợp và 139 trường hợp đối với ân nhân cách mạng, thực hiện chế độ theo Quyết định 142/QĐ-TTg và Quyết định 57/QĐ-TTg cho 473 trường hợp. Tỉnh cũng đã thực hiện chế độ tuất đối với 455 thân nhân người có công, giải quyết chế độ mai táng phí cho 3.241 hồ sơ thân nhân người có công, tiếp nhận và di chuyển 483 hồ sơ người có công, thẩm định và cấp sổ trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho 1.882 đối tượng, ra quyết định thờ cúng liệt sỹ đối với 41.286 trường, trình Bộ Lao động – TBXH cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công cho 1.560 liệt sỹ...
Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, các địa phương tổ chức các đoàn đại biểu dâng hương, dâng hoa, thăm viếng các Đền thờ liệt sỹ, Đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh; tổ chức đưa đón đoàn thân nhân liệt sỹ đi thăm viếng Nghĩa trang Trường Sơn, đưa đón đoàn người có công tiêu biểu gặp mặt lãnh đạo Bộ Lao động – TBXH và thăm Thủ đô Hà Nội, viếng Lăng Bác; thăm một số Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh ngoài, nơi có thương, bệnh binh là người Thanh Hóa đang điều dưỡng. Công tác thăm hỏi, động viên, tặng quà thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công cũng được quan tâm thực hiện chu đáo, kịp thời; công tác điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho các đối tượng chính sách và người có công cũng được cấp ủy, chính quyền và các địa phương thực hiện đầy đủ.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm tặng quà và 

chúc tết vợ liệt sỹ Nguyễn Thị Tâm, xã Xuân Thành (huyện Thọ Xuân)

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa và phong trào chăm sóc người có công với cách mạng được đẩy mạnh nhằm kế thừa và phát huy đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã thực sự trở thành một phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Trong năm 2018, Thanh Hóa đã huy động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” gần 18 tỷ đồng (cấp tỉnh gần 2,4 tỷ đồng, cấp huyện hơn 6,6 tỷ đồng, cấp xã hơn 8,7 tỷ đồng). Từ nguồn Quỹ này, tỉnh đã trích hỗ trợ xây mới 245 căn nhà và sửa chữa 472 nhà ở cho người có công với số tiền gần 9,5 tỷ đồng...
Phong trào “Toàn dân chăm sóc người có công”, xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng, bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi cùng nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực đã được lan tỏa từ các thôn, bản, làng, xã và khu phố. Qua đó đã huy động cộng đồng dân cư tích cực tham gia ủng hộ, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, đáp ứng cơ bản những nhu cầu bức thiết về lao động, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe và sản xuất. Hiện tại, 98,8% gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn bình quân toàn tỉnh; 100% xã, phường, thị trấn ở Thanh Hóa được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sỹ.
Đối với công tác xây dựng, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp các hạng mục nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ tại các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn cũng được Thanh Hóa quan tâm chú trọng. Trong năm 2018, tỉnh đã phân bổ kinh phí mộ, nghĩa trang liệt sỹ cho các huyện, thị xã, thành phố với tổng kinh phí trên 16 tỷ đồng; tiếp nhận và tổ chức an táng 23 hài cốt liệt sỹ quân tình quyện Việt Nam hy sinh tại nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm (huyện Bá Thước, Thanh Hóa); 5 mộ liệt sỹ do đội quy tập Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tìm kiếm cất bốc ở ngoài tỉnh bàn giao về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh; báo tin mộ cho 56 trường hợp thân nhân liệt sỹ, hỗ trợ di chuyển 11 trường hợp hài cốt liệt sỹ và xây vỏ mộ liệt sỹ cho 86 trường hợp.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công và đẩy mạnh các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tập trung giải quyết cơ bản các vấn đề còn tồn đọng và đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để người có công được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội cùng tham gia chung tay góp sức chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống của gia đình người có công; triển khai phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" một cách sâu rộng, mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, phấn đấu đến năm 2020, 100% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Chí Tâm