Lao động
Thanh Hóa triển khai nhiều biện pháp phát triển thị trường lao động
12:00 PM 18/02/2020
(LĐXH)-Điều dễ dàng nhận thấy, công tác giải quyết việc làm thời gian qua ở Thanh Hóa đã được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp phát triển thị trường lao động và tạo việc làm cho người lao động.
Thanh Hóa được biết đến là tỉnh có dân số đông thứ 3 cả nước với trên 3,6 triệu người, tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm là 0,65%. Dân số trong độ tuổi lao động trên 2,4 triệu người, chiếm 66,7% tổng dân số; lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là hơn 2.28 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,3%, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn là 6,3%...
Trong năm 2019, các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển doanh nghiệp của Thanh Hóa đã phát huy hiệu quả tích cực, nhiều doanh nghiệp lớn được đầu tư thành lập mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất, nên có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng hơn năm 2018. Chính vì vậy, Thanh Hóa đã xác định tạo mở việc làm là một trong những giải pháp cơ bản, mang tính bền vững trong công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh.

Lao động đến tìm kiếm việc làm thông qua các phiên giao dịch do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh hóa tổ chức

Ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động – TBXH Thanh Hóa, trao đổi: Được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Việc làm (Bộ Lao động – TBXH), sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội, chương trình giải quyết việc làm đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và của chính người lao động. Nhờ vậy, số lao động được giải quyết việc làm đều tăng cả về số lượng và chất lượng, thu nhập và đời sống của người lao động được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Kết quả trong năm 2019, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 69.622 lao động, trong đó có 10.309 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
“Riêng đối với công tác xuất khẩu lao động, nhìn chung chất lượng thị trường lao động nước ngoài trong năm 2019 được nâng cao, mức thu nhập của người lao động đã cải thiện đáng kể so với các thị trường truyền thống; số lượng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng nghè (làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Rumani) tăng mạnh, số lao động giúp việc, phục vụ gia đình (các nước Trung Đông) giảm so với các năm trước" – Giám đốc Sở Lao động – TBXH Trịnh Ngọc Dũng, cho biết.
Bên cạnh đó, để đạt được chỉ tiêu kế hoạch về giải quyết việc làm nêu trên, ngành Lao động - TBXH Thanh Hóa đã phối hợp với các ban, ngành liên quan chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn từng bước mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, cải tiến nội dung và nâng cao chất lượng đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong tỉnh, các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp trong nước và đi xuất khẩu lao động. Triển khai các chương trình xúc tiến việc làm và đào tạo nghề cho lao động trong tỉnh, tổ chức các đoàn đi thăm quan, tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng lao động cũng như tình hình làm việc của lao động người Thanh Hóa tại các nhà máy, khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh để từ đó có kế hoạch đào tạo, giới thiệu, giải quyết việc làm cho lao động của tỉnh, gắn đào tạo với sử dụng lao động.
Tiếp đến, Sở Lao động – TBXH còn chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao dịch thị trường lao động thông qua các hình thức tuyên truyền, mở sàn giao dịch việc làm; đẩy mạnh công tác thu thập thông tin thị trường lao động trong tỉnh có kết nối với các tỉnh khác trong toàn quốc để giới thiệu việc làm cho người lao động.
Với vai trò là “cầu nối” giữa các doanh nghiệp và người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa cũng đã triển khai đa dạng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng cũng như các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhằm giúp người sử dụng lao động và người lao động có cơ hội gặp gỡ trực tiếp, tiến tới thỏa ước lao động việc làm. Trong năm qua, Trung tâm đã tổ chức 45 phiên giao dịch việc làm, thu hút 693 lượt đơn vị tham gia tuyển dụng, tuyển sinh, số người được tuyển trực tiếp tại sàn là 8.506 người; tổ chức 18 cuộc tư vấn cộng đồng, giới thiệu việc làm cho 1.290 người lao động tại các huyện nghèo hết thời hạn làm việc ở nước ngoài về nước; giới thiệu 55 doanh nghiệp xuất khẩu lao động có đơn hàng với thu nhập cao về phối hợp với các địa phương tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Người lao động tìm hiểu cơ hội việc làm tại Ngày hội việc làm ở huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa)
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn tiếp nhận, thẩm định và trình Sở Lao động – TBXH Thanh Hóa ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với 17.835 lao động, tăng 6,71% so với năm 2018; đồng thời, quan tâm tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới miễn phí cho 100% người lao động bị mất việc làm đến nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, để giải quyết việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động, Thanh Hóa cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giải ngân và cho vay vốn Quốc gia việc làm để tạo việc làm mới cho người lao động. Sở đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thẩm định và cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm 1.950 dự án của người lao động, cơ sở sản xuất - kinh doanh, ước doanh số cho vay đạt trên 85 tỷ đồng, góp phần duy trì và tạo việc làm cho 3.550 lao động.
Ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động – TBXH Thanh Hóa cho biết thêm: Năm 2020, Thanh Hóa đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 69.000 lao động (trong đó, giải quyết việc làm trong nước 59.000 người, xuất khẩu lao động 10.000 người); giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống 3,1% và thiếu việc nông thôn còn 6,1%; chuyển dịch cơ cấu lao động theo tỷ lệ Nông – lâm – ngư nghiệp 35%, Công nghiệp – xây dựng 35% và dịch vụ 30%. Để đạt được nhiệm vụ này, Thanh Hóa sẽ thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng công tác dự báo và thông tin thị trường lao động, gắn với kết nối hệ thống thông tin thị trường lao động Quốc gia. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng tần suất, nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm. Thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình việc làm gắn với thị trường lao động, thúc đẩy chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án và giải pháp hộ trợ tạo việc làm, xuất khẩu lao động cho nhóm người yếu thế, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số và thanh niên nông thôn.

Chí Tâm