Xã hội
Thanh Hóa: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững
02:55 PM 08/06/2020
(LĐXH) Tín dụng chính sách xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của người nghèo, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế- xã hội. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi đề người nghèo được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.
Trong giai đoạn 2016-31/7/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay 03 chương trình tín dụng nghèo đạt 7.128 tỷ đồng, với 230.905 lượt hộ vay vốn, với dư nợ tại thời điểm này là 5.761 tỷ đồng, góp phần tích cực đạt mục tiêu giảm nghèo bình quân 2,5%/năm.
Người dân được tiếp cận công trình nước sạch nhờ nguồn vốn cho vay từ chương trình tín dụng chính sách
Thanh Hóa là một tỉnh lớn, thuộc khu vực Bắc Trung bộ, có diện tích tự nhiên xếp thứ 5 và dân số xếp thứ 3 trong cả nước. Toàn tỉnh có trên 3,6 triệu người, với 7 dân tộc sinh sống; 27 đơn vị hành chính, gồm 02 thành phố, 01 thị xã và 24 huyện, chia làm 03 vùng miền núi, đồng bằng ven biển và đồng bằng. Thời gian qua, các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đều được lượng hóa, thiết kế phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội và thực trạng nghèo của tỉnh, trong đó có một số chỉ tiêu đền nay đã đạt và vượt như tỷ lệ hộ ngèo, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đường giao thông, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt... Số hộ nghèo giảm theo phương pháp tiếp cận đa chiều từ 13,51% đầu năm 2016 xuống còn 3,41% cuối năm 2019. Bên cạnh thuận lợi, Thanh Hóa cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của thiên ai, ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Nhận thức rõ về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương, hàng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương đã bố trí nguồn vốn từ ngân sách, chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, thanh niên khởi nghiệp. Đến nay, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 231 tỷ đồng. Nguồn vốn cân đối Ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh còn có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với người lao động vay vốn đi  làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Trong giai đoạn 2016-2019, tỉnh Thanh Hóa cso 97.721 hộ nghèo được vay vốn với số tiền hơn 2.580 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh và phục phụ nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt; có 91.365 hộ cận nghèo được vay vốn với số tiền 2.957,1 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng chính đối với hộ mới thoát nghèo, đã có 41.819 hộ được vay vốn với số tiền 1.590,4 tỷ đồng. Chương trình cho vay vốn đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài đã cho 995 người vay với số tiền 39,8 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh đã có 32.208 hộ được vay vốn với số tiền 193,8 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, 67.771 lượt hộ vay vốn các chương trình tín dụng khác với số tiền hơn 1.685 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016-2020, doanh số cho vay đạt 10.514,1 tỷ đồng với 487.166 lượt hộ được vay vốn. Tổng dư nợ 24 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai  trên địa bàn đạt 9.143,94 tỷ đồng, với 316.493 khách hàng còn dư nợ, trong đó dư nợ tại huyện nghèo theo Nghị quyết 30a đạt 2.030,22 tỷ đồng; dư nợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 47,16 tỷ đồng; Chương trình cho vay phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085 đạt 25,09 tỷ đồng. Dư nợ chương trình tin dụng hộ nghèo theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP đạt 2.000,09 tỷ đồng; Dư nợ chương trình tín dụng hộ cận nghèo đạt hơn 2.414 tỷ đồng; dư nợ chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo đạt hơn 1.346 tỷ đồng...
Trong hơn 3 năm (2016-2019), tỉnh Thanh Hóa có 189.086 lượt hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn tín dụng chính sách
Nhung chung, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trong hơn 3 năm (2016-2019), nguồn vốn tín dụng đã giúp 189.086 lượt hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, góp phần giúp 90.183 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn toàn tỉnh, giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách,,, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, thay đổi cơ bản nhân thức, sử dụng vốn hiệu quả.
Để tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm, quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính đồng thời tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo tại địa phương, thời gian qua, Ngân hàng chính sách xã hội đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, cấp ủy chính quyền địa phương chỉ đạo các tổ chức hội cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn phổ biến tuyên truyền công tác huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay, hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thường trực Đảng ủy, UBND cấp xã trong việc chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động ủy nhiệm và chất lượng tín dụng trên địa bàn. Quan tâm chỉ đạo trong việc phối hợp trong cho vay vốn, với triển khai các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Thông qua hoạt động tín dụng chính sách, đã căn bản làm thay đổi nhận thức cho một bộ phận người nghèo, cận nghèo, đồng bảo dân tộc thiểu số biết sử dụng vốn vay vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị, trật tự xã hội; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, đầu năm 2016 từ 13,51% xuống 5,59% cuối năm 2018 và 3,41% cuối năm 2019. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nong thôn mới. Phương thức cho vay ủy thác một số công việc cho các tổ chức chính trị xã hội thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, đã tạo cho các hộ vay trong tổ cùng giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, quản lý kinh tế, chia sẻ rủi ro, được tiếp cận với nhiều hoạt động lồng ghép như khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí... Kết quả phát triển kinh tế xã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn, trật tự an ninh, an toàn xã hội được giữ vúng, hạn chế được những mặt tiêu cực, tạo ra bộ mặt mới trong đời sống kinh tế ở nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, từ ngân sách địa phương để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, chưa có các biện pháp cụ thể và tích cực để cải thiện chất lượng tín dụng, nhất là các biện pháp nhằm xử lý đối với các hộ gia đình đang còn dư nợ Ngân hàng chính sách xã hội nhưng đã chuyển đi khỏi địa phương. Tại một số nơi, công tác phối hợp các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội với hoạt động tín dụng chính sách chưa được gắn kết, dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.
Giảm nghèo là một trong những chính sách lớn trong chính sách an sinh xã hội và công bằng xã hội. Đảng, Nhà nước coi vấn đề giảm nghèo vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển kinh tế xã hội, tăng cường an ninh, quốc phòng. Để chính sách tín dụng tiếp tục phát huy hiệu quả trong thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cân đối, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; Quan tâm, tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt, tăng nguồn lực cho Thanh Hóa để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo khi hết thời gian quy định (31/12/2020) và Chương trình cho vay nước sạch về sinh môi trường; nghiên cứu mở rộng đối tượng cho vay đối với các hộ có mức thu nhập dưới mức trung bình để người dân có vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tránh tái nghèo, vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững. Điều chỉnh giảm lãi suất chương trình cho vay vốn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đối với Chương trình cho vay phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085, cần phê duyệt danh sách hộ thụ hưởng và bố trí nguồn vốn từ ngân sách ngay từ đầu năm để kịp thời triển khai cho vay hỗ trợ cho người dân có vốn phát triển kinh tế, ổn định đời sống./.
Đỗ Thị Phượng