Xã hội
Thanh Hóa thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững
02:46 PM 21/11/2018
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020, hàng năm UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành các quyết định giao chỉ tiêu giảm nghèo (số hộ) và chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho các huyện và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị thực hiện. Giai đoạn 2016 đến nay, bình quân năm giảm nghèo đạt 2,54%. Thu nhập tăng, người nghèo cũng có thêm cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản tốt hơn.

Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã giảm 47.135 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,51% xuống 8,43%, bình quân giảm 2,54%/năm (vượt chỉ tiêu giảm 2,5%/năm), riêng 7 huyện nghèo giảm 9,28%. Thu nhập bình quân đầu người của số hộ nghèo đạt khoảng 1,26 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,84 lần cuối năm 2015 (khoảng 685.000 đồng/người/tháng). Người nghèo cũng có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: 329.822 người thuộc hộ cận nghèo được mua thẻ BHYT, số hộ đang ở trong nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ giảm 16.998 hộ; số hộ chưa được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh giảm 13.869 hộ; số hộ không có tài sản phục vụ tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ viễn thông giảm 10.587 hộ. Tính chung, mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo giảm từ 2,3 xuống 2,2 chỉ tiêu/hộ.

Khám sức khỏe và cấp phát thuốc cho người nghèo trên địa bàn

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, đã có 400.881 lượt học sinh được miễn, giảm học phí với tổng kinh phí thực hiện là 54.937 triệu đồng; 56.538 lượt học sinh với kinh phí thực hiện là 273.249 triệu đồng và 4.976 tấn gạo. Năm 2016 và 2017 cấp 538.638 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo (đạt 100% tỷ lệ hộ nghèo được cấp thẻ BHYT); cấp 257.049 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo. Riêng năm 2018 cấp 190.253 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo; 114.219 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo; 194.504 người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn và 400.302 người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn. Đã có 4.191 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn ưu đãi làm nhà ở theo Chương trình 167 giai đoạn 2; 1.574 hộ được hỗ trợ làm nhà ở phòng tránh bão lụt. Ngoài ra, Quỹ vì người nghèo đã hỗ trợ làm mới 1.205 nhà, sửa chữa 120 nhà ở Đại đoàn kết với tổng kinh phí 68.192 triệu đồng… Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã hỗ trợ, nâng cấp công trình cấp nước tập trung, hỗ trợ xây mới và nâng cấp công trình cấp nước hộ gia đình cho 14.654 hộ nghèo.

Tỉnh sẽ nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất kinh tế, giảm nghèo hiệu quả

Địa phương cũng đã hỗ trợ thực hiện 115 mô hình hỗ trợ sản xuất và 22 mô hình sản xuất cho người nghèo như nuôi trâu, bò, lợn rừng, lợn cỏ sinh sản, trồng cam V2, bưởi diễn, bí xanh... Các hộ tham gia được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhờ đó, đã có 1.354 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hưởng lợi từ các dự án, mô hình; bình quân hàng năm có khoảng 15% hộ gia đình tham gia dự án, mô hình thoát nghèo. Thông qua các mô hình giảm nghèo, từ năm 2016 đến nay, Thanh Hoá đã đào tạo nghề cho 143.860 lao động, trong đó có trên 1.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, 2.680 lao động là người dân tộc thiểu số được đào tạo trình độ sơ cấp nghề trở lên.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hoá đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ban hành nhiều cơ chế chính sách. Thông qua nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã có 54.437 lượt hộ nghèo, cận nghèo được phát triển sản xuất như hỗ trợ trâu, bò sinh sản, dê, con giống, phân bón...

Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã từng bước giúp người dân nhằm giảm nghèo bền vững. Mục tiêu đề ra đến cuói năm 2020, Thanh Hóa sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 1,01%.

Trần Huyền