Thời sự
Thanh Hóa: Tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn
10:20 AM 15/11/2018
(LĐXH) - Theo thống kê tính đến đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 89 doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài gồm 53 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 31 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, 04 nhà thầu và 01 cơ quan tổ chức, trong đó có 31 doanh nghiệp nằm trong Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu Công nghiệp...
Nhiều lao động là người nước ngoài đang làm việc tại Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại các đơn vị trên là 1.276 người. Trong đó: Quốc tịch Trung Quốc có 631 người (chiếm 49,5%), Nhật Bản có 235 người (chiếm 18,4%), Hàn Quốc có 147 người (chiếm 11,5%), Đài Loan có 83 người (chiếm 6,5%), các nước khác có 180 người (chiếm 14,1%). Số lao động đã cấp phép là 1.251 người, lao động chưa cấp phép là 02 người, lao động không thuộc diện cấp phép lao động là 23 người. Những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nước ngoài chủ yếu là các nhà thầu nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn: 159 lao động; Tổ hợp nhà thầu JGCS: 124 lao động; Công ty TNHH giày Rollsport: 120 lao động; Công ty TNHH giày Anora: 93 lao động.
Căn cứ vào Quy chế phối hợp quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ủy quyền cho Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp quản lý, theo dõi, cấp, cấp lại, thu hồi Giấy phép lao động nước ngoài trong địa bàn quản lý nhằm đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo, nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý lao động nước ngoài, giải quyết thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động người nước ngoài và người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Thanh Hóa. Sở cũng đã phối hợp với Trung tâm Quốc gia về việc làm tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý lao động nước ngoài cho Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Tính riêng năm 2017, Sở Lao động – TB và Xã hội đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận nhu cầu sử dụng 1.394 lao động nước ngoài của các tổ chức, cá nhân (trong đó: chuyên gia 995 người; nhà quản lý 35 người; giám đốc điều hành 16 người; lao động kỹ thuật 348 người); toàn tỉnh cấp mới giấy phép cho 436 lao động và cấp lại cho 770 lao động nước ngoài làm việc tại Thanh Hóa theo quy định (Trong đó: Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cấp mới giấy phép cho 284 lao động, cấp lại Giấy phép cho 593 lao động).
Đến tháng 10 năm 2018, Sở phối hợp với Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra liên ngành 17 doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp về tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài (năm 2017: 23 doanh nghiệp, năm 2018: dự kiến 20 doanh nghiệp). Sau nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, các doanh nghiệp, nhà thầu nước ngoài đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý, sử dụng và hoàn thiện hồ sơ để đề nghị cấp giấy phép cho lao động nước ngoài; chấp hành các quy định về an ninh trật tự tại địa phương; sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các nhà thầu trong việc quản lý lao động chặt chẽ hơn.
Với quan điểm của cơ quan quản lý về lao động tại Thanh Hóa trong thời gian qua là các thủ tục hành chính liên quan đến việc chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài; cấp, cấp lại giấy phép lao động; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động được thực hiện một cách nhanh chóng, thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, các nhân sử dụng lao động nước ngoài thông qua Trung tâm Hành chính công tỉnh./.
NHB
 
Từ khóa: LĐVL; Thanh hoa