Xã hội
Thanh Hóa phát huy truyền thống hiếu nghĩa bác ái
04:23 PM 18/02/2018
(LĐXH)- Trong những năm qua, cùng với cả nước, Thanh Hóa luôn phát huy truyền thống hiếu nghĩa bác ái, làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ nhằm tri ân những người đã cống hiến, hy sinh một phần xương máu đấu tranh vì nền độc lập của dân tộc.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang quản lý 329.824 đối tượng người có công, trong đó có 4.424 mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện 46 mẹ Việt còn sống), hơn 56.000 liệt sĩ; gần 46.000 thương binh, hơn 16.000 bệnh binh, 2.000 cán bộ lão thành cách mạng, gần 600 cán bộ tiền khởi nghĩa, gần 300 ân nhân cách mạng, gần 1.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, có trên 203 ngàn người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế. Hàng tháng, toàn tỉnh chi trả trợ cấp cho hơn 81.000 đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên với số kinh phí 130 tỷ đồng và chế độ đối với thân nhân người có công khoảng 25.000 người với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.
Cùng với việc thực hiện chế độ trợ cấp thường xuyên, hàng năm, Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch thực hiện về công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng; đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Đến nay, phong trào này đã thực sự trở thành một phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, tạo nên nét đẹp trong đời sống xã hội. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” gần 80 tỷ đồng, trong đó xây dựng, sửa chữa hơn 1.500 căn nhà tình nghĩa cho người có công với tổng kinh phí gần 29 tỷ; tặng trên 1.300 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng.  
Công ty Xăng dầu Thanh Hóa thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công nhân dịp tết Mậu Tuất 2018 
Bên cạnh đó, phong trào "Toàn dân chăm sóc người có công với cách mạng", xây dựng vườn cây tình nghĩa, áo lụa tặng bà, áo gấm tặng mẹ liệt sỹ, mẹ Việt Nam anh hùng, bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi cùng nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực đã nẩy nở và nhân rộng tới từng bản, làng, xã và khu phố. Qua đó đã huy động cộng đồng dân cư tích cực tham gia ủng hộ, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, đáp ứng cơ bản những nhu cầu bức thiết về lao động, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe và sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống và làm giàu ngay tại quê hương. Hiện tại, 100% xã, phường, thị trấn ở Thanh Hóa được công nhận làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ; 98% gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nguwoif dân nơi cư trú. Ngoài chế độ trợ cấp hàng tháng, các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được nhận phụng dưỡng, chăm sóc đến hết đời từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; 100% người có công và thân nhân của họ đều được cấp thẻ BHYT...
Tiếp đó, ngành Lao động - TBXH Thanh Hóa còn triển khai hiệu quả các đợt điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình cho từ 25.000 đến 27.000 người có công. Phối hợp tổ chức tốt công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, các công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng đã được chú trọng. Toàn tỉnh có 740 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 253 đài tưởng niệm liệt sĩ, 368 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 89 tượng đài liệt sĩ, 30 nghĩa trang liệt sĩ. Từ năm 2012 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tìm kiếm, qui tập được 35 hài cốt liệt sĩ trong nước và 186 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Đã phân tích mẫu ADN trả lại tên cho hàng trăm liệt sĩ.
Những tình cảm và việc làm đó đã góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng, thể hiện sâu sắc đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, động viên người có công trong thời bình vẫn tiếp tục là những chiến sĩ đi đầu trên các lĩnh vực, tích cực xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, là những công dân gương mẫu, những tấm gương sáng giáo dục thế hệ trẻ tích cực lao động, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, với tinh thần đoàn kết, nhất trí, chung sức chung lòng, cùng với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tin tưởng rằng, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Thanh Hóa sẽ thực hiện tốt nhất mục tiêu, nhiệm vụ hỗ trợ, chăm sóc người có công với cách mạng.

Chí Tâm