Xã hội
Thanh Hóa: Hỗ trợ dạy nghề, việc làm, tạo sinh kế cho người khuyết tật,
02:05 PM 13/10/2021
Với trên 217.000 người khuyết tật, đây là nhóm đối tượng yếu thế và bất hạnh nhất trong xã hội, thấu hiểu những thiệt thòi, khó khăn của đối tượng, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật giúp họ ổn định cuộc sống.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Tại Thanh Hóa, ngay từ năm 2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV) đã ban hành Chỉ thị số 11 “về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ người tàn tật và trẻ mồ côi”. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lòng nhân ái của những người hảo tâm, cộng đồng xã hội đã động viên, an ủi, khuyến khích người khuyết tật vượt qua mặc cảm, tự ti, vơi bớt đi một phần tủi phận, giảm bớt đi một phần gánh nặng, khó khăn trong cuộc sống. Đến nay, 100% người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều được hưởng trợ cấp xã hội. Vào các ngày lễ, tết, nhất là dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế người khuyết tật 3-12 và Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18-4 hàng năm, người khuyết tật đều được các tổ chức xã hội và cá nhân các nhà hảo tâm đến thăm hỏi và tặng quà. Trường Đại học Hồng Đức và nhiều trường nghề trong tỉnh đã tiếp nhận học sinh, sinh viên là người khuyết tật vào học và có những hình thức giúp đỡ thiết thực. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các tổ chức quốc tế cấp hàng chục nghìn xe lăn cho người khuyết tật...
Đại diện Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh tặng quà cho người khuyết tật và trẻ mồ côi trên địa bàn huyện Triệu Sơn.
Bên cạnh sự hỗ trợ về tài chính, hiện vật trị giá hàng tỉ đồng mỗi năm dành cho người khuyết tật, việc dạy nghề gắn với bố trí việc làm cho đối tượng yếu thế này là con đường sinh kế bền vững, tạo dựng cho họ niềm tin vào khả năng lao động của bản thân, từ đó hòa nhập bền chặt với cộng đồng. Không những vậy, đây còn là con đường giúp người khuyết tật phát huy tài năng, khơi dậy ý chí và khát vọng tự lập, làm chủ bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tại Thanh Hóa, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh là tổ chức sớm nhận ra vấn đề này và cũng là tổ chức tiên phong, kiên trì chăm lo việc dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật. Hơn 10 năm qua, hội đã tập trung khảo sát nhu cầu học nghề của người khuyết tật đến từng đối tượng, dạng tật. Hội đã chọn được 22 nghề phù hợp với người khuyết tật như: chế biến cói mỹ nghệ, mây tre đan, làm tranh lưu niệm bằng đá quý, tranh gạo rang, may, thêu ren, làm chổi đót, trồng trọt, sửa chữa điện dân dụng, nấu ăn, cắt tóc... Trên cơ sở chọn nghề phù hợp với nhu cầu và phù hợp với dạng tật của người khuyết tật, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã xây dựng kế hoạch báo cáo các cấp thẩm quyền và vận động các HTX, các làng nghề truyền thống ở các địa phương mở các lớp học từ 20 đến 30 người theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Những học viên sau khi kết thúc khóa học đều được bố trí việc làm và được tạo điều kiện tiêu thụ những sản phẩm do họ làm ra. Để tạo điều kiện cho người khuyết tật không phải đóng học phí và các khoản tiền ăn, tiền lưu trú trong suốt thời gian đào tạo, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh trực tiếp vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các tổ chức nhân đạo nước ngoài (Cộng hòa liên bang Đức, Hoa Kỳ, Hàn Quốc,...) quyên góp được trên 5 tỷ đồng phục vụ công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật. Theo số liệu của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa, trong 10 năm qua, hội đã trực tiếp huy động nguồn lực, chủ trì phối hợp với các tổ chức và các doanh nghiệp, mở được 65 lớp học nghề cho 1.853 học viên là người khuyết tật; phối hợp với Trường Trung cấp Nghề thanh thiếu niên khuyết tật đặc biệt khó khăn tỉnh dạy nghề cho 4.895 học viên. Việc quan tâm dạy nghề đã tạo được những chuyển biến đột phá trong công tác tạo việc làm cho người khuyết tật. 80% người khuyết tật sau khi học nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định. 1.072 hộ có người khuyết tật thoát nghèo, 286 người khuyết tật trở thành chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong số hơn 100 tấm gương người khuyết tật tiêu biểu vượt qua số phận nghiệt ngã lập thân lập nghiệp thành công, như những tấm gương: chị Lê Thị Thắm, anh Cao Văn Tuân, chị Nguyễn Thị Thu Hiền...
Chị Lê Thị Thắm sinh năm 1998, quê ở xã Đông Thịnh (Đông Sơn). Khi sinh ra chị đã không có hai tay, thể trạng yếu ớt, ốm đau quanh năm. Thương bố mẹ lao động kiếm tiền nuôi nấng, chữa bệnh cho mình nên Thắm quyết tâm học. Trước hết Thắm học viết chữ bằng chân. Bằng nghị lực và ý chí phi thường, suốt 12 năm học phổ thông chị đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Thắm còn đạt giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp cấp huyện và cấp tỉnh. Bốn năm học ở Trường Đại học Hồng Đức, chị đều nhận được học bổng. Ra trường, Thắm tổ chức dạy học tiếng Anh cho học sinh trong và ngoài xã. Lớp học của cô gái nghị lực này lúc nào cũng đông học sinh. Với sự cố gắng, nỗ lực của mình, năm 2016, Lê Thị Thắm đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích là tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên trong học tập và rèn luyện.
Anh Cao Văn Tuân (huyện Quảng Xương) khi mới hơn một tuổi đã bị tai nạn, cả hai chân đều bị khuyết tật. Nhưng với tinh thần “tàn nhưng không phế”, anh Tuân đã vươn lên bằng chính nghị lực và sự miệt mài của mình, trở thành một công dân có ích, không chỉ tự nuôi bản thân, gia đình mà còn giúp đỡ cộng đồng. Với ý chí “những gì người bình thường làm được thì tôi cũng làm được”, năm 2005, Cao Văn Tuân thi đậu Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Khoa học Huế (là một trong bốn người đạt điểm cao nhất trong kỳ thi). Ra trường, Tuân theo đuổi nghề vẽ tranh và tạo hình. Từ một phát hiện ngẫu nhiên về sắc màu của hạt gạo khi rang anh đã thực hiện bức tranh từ hạt gạo mang hồn cốt dân tộc với những sắc màu mới mẻ, độc đáo. Cơ sở tranh gạo của anh Tuân được nhiều người biết đến, tranh của anh đã có mặt ở Đại nội Huế và nhiều cửa hàng tranh trong nước. Một số khách quốc tế cũng đã đến thăm cơ sở sản xuất và mua tranh của anh. Anh Tuân hiện đang là giám đốc HTX tranh và đồ mỹ nghệ Tân Phát chuyên sản xuất và dạy nghề tranh gạo. Anh Tuân cũng giữ cương vị Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh thiếu niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển Thanh Hóa. Trên cương vị của mình, Cao Văn Tuân đã có nhiều hoạt động mang ý nghĩa truyền lửa, truyền cảm hứng cho người khuyết tật. Anh đã mở lớp dạy nghề, tham gia dạy nghề tranh gạo cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Quảng Xương, huyện Thọ Xuân. Vợ chồng chị Lại Thị Bảo (người khuyết tật huyện Thọ Xuân) nhờ sự giúp đỡ của anh Tuân cũng đã thành lập được Công ty Mỹ thuật Lam Sơn, tạo công ăn việc làm cho 30 người khuyết tật khác.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền sinh ra tại TP Thanh Hóa. Hiền bị khuyết tật bẩm sinh cả hai chân. Ngoài 30 tuổi nhưng chị chỉ cao hơn 0,8m. May mắn hơn nhiều người khuyết tật khác, Hiền sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ Hiền không muốn chị phải vất vả học nghề kiếm thu nhập, song ngay khi còn nhỏ chị đã xác định dù khuyết tật cũng không thể là người thừa cho gia đình và xã hội. Nguyễn Thị Thu Hiền cần cù học văn hóa. 12 năm học, Hiền đều là học sinh giỏi. Năm 2004, Hiền chọn ngành học Trung cấp kế toán, đồng thời theo học các lớp ngắn hạn về tin học, ngoại ngữ, quản trị kinh doanh... và tiếp tục học lên đại học. Năm 2009, chị tốt nghiệp đại học ngành tài chính kế toán, sau đó xin vào làm kế toán cho 3 doanh nghiệp tư nhân. Những nơi nhận chị vào làm, ban đầu còn băn khoăn, hoài nghi về năng lực của chị nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đều ghi nhận kiến thức chuyên môn và ý thức trách nhiệm cao của Hiền. Được sự động viên ủng hộ của gia đình, chị Hiền thành lập Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Suri. Công ty do chị quản lý hàng năm đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng, tiếp nhận được một số người khuyết tật vào làm. Đến nay, chị Hiền đã đứng vững trên đôi chân của mình, chị còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên, sinh viên khuyết tật Thanh Hóa. Chị Hiền đã nhận được nhiều phần thưởng và giải thưởng trong nước và quốc tế, chị là người phụ nữ khuyết tật Việt Nam đầu tiên được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng Giải thưởng KOVA – giải thưởng dành cho người phụ nữ tiêu biểu và có sức lan tỏa, truyền cảm hứng.
Chị Lê Thị Thắm, anh Cao Văn Tuân, chị Nguyễn Thị Thu Hiền... mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một số phận nhưng họ đều là tấm gương vượt lên trên nghịch cảnh để khẳng định giá trị của bản thân mình. Hơn thế, họ còn có thể giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, truyền nghị lực sống cho những người xung quanh.
Có thể khẳng định, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng, cùng với ý chí vươn lên của người khuyết tật đến nay đã đưa tới hiệu quả nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên để khẩu hiệu “không ai bị bỏ lại phía sau” của Chính phủ thành hiện thực, người khuyết tật cần tiếp tục nhận được những chính sách cụ thể, thiết thực để có thể tiếp cận vốn vay hỗ trợ tạo việc làm từ ngân hàng chính sách xã hội. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những người khuyết tật đã và đang khởi nghiệp, lập nghiệp. Đồng thời, người khuyết tật cũng mong muốn nhận được sự chia sẻ giúp đỡ của cộng đồng để họ thực hiện hóa ước mơ đời thường: có việc làm, có thu nhập, sống bình đẳng và có ích.

PV