Xã hội
Thanh Hóa: Chú trọng công tác giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển
03:09 PM 03/09/2019
Tỉnh Thanh Hóa có 30 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thuộc 5 huyện, 1 thành phố với hàng ngàn hộ dân sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản. Để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, tỉnh đã đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, các công trình thủy lợi, y tế, giáo dục.
Nhiều hộ nghèo và cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được khám, chữa bệnh miễn phí, được tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế... giúp các xã bãi ngang, ven biển có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Dừng chân tại xã bãi ngang Hưng Lộc (Hậu Lộc), bà Đào Thị Hòe, thôn 2, cho hay: Nhà tôi vừa neo đơn lại bệnh tật. Ông nhà đã gần 60 tuổi, bị tai biến, còn tôi hằng ngày phải bươn chải bắt từng con cá, con cua đem ra chợ bán. Thu nhập tuy gần 150.000 đồng/ngày nhưng mỗi tháng chỉ suôn sẻ khoảng 10 ngày. Còn lại thì “rỗi”. Thiếu gạo ăn thì mua chịu rồi làm trả sau. Nhưng từ năm trước, được xã cho vay 20 triệu đồng hỗ trợ sinh kế, tôi mua gà, vịt thả nuôi nên đến nay gia đình đã không còn nợ ngân hàng, cuộc sống ổn định hơn và đã thoát khỏi hộ nghèo.
Các mô hình phát triển sản xuất được quan tâm đầu tư, giúp người dân ổn định cuộc sống
Ông Tăng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cho biết: Để góp phần giảm nghèo bền vững, địa phương đã quan tâm đến việc hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất. Trong đó, chú trọng những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, địa phương đã và đang tiến hành triển khai các dự án như: “Phát triển mô hình nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2019”; “Phát triển mô hình nuôi gà thịt cho hộ nghèo giai đoạn 2017-2020”; chăn nuôi dê sinh sản và dê lấy thịt; sản xuất cây ngô ngọt, ớt xuất khẩu... Ngoài ra, địa phương còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động cùng nhiều chương trình, chính sách khác đã tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; cơ sở hạ tầng được tăng cường là động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy được thế mạnh vùng biển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đặc biệt giúp người nghèo từng bước chủ động vươn lên thoát nghèo; cải thiện đáng kể điều kiện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, đi lại... góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới cũng như rút ngắn khoảng cách phát triển giữa địa phương và các xã khác trên địa bàn huyện.
Về một số xã vùng bãi ngang ven biển huyện Tĩnh Gia những ngày này có thể thấy và cảm nhận được ít nhiều sự đổi thay trong diện mạo và đời sống người dân. Đó là kết quả sau 3 năm thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Mặc dù vậy, khách quan nhìn nhận, sự đổi mới này vẫn chưa thực sự như kỳ vọng khi vẫn còn không ít hộ do chịu thiên tai, dịch bệnh và hạn hán mà lâm vào cảnh túng quẫn, nghèo đói, thậm chí là nghèo dai dẳng và gần như không có lối thoát. Hơn nữa, cái nghèo không đơn thuần phát sinh từ các yếu tố tự nhiên mà còn do chính những yếu tố nội tại của hộ gia đình. Vì thế, phương thức “cho con cá” hay “cấp cần câu” để xóa đói giảm nghèo vẫn không mang lại hiệu quả. Nhiều gia đình có ý chí làm ăn, họ chỉ cần được hỗ trợ vốn, kỹ thuật là có thể vươn lên được. Nhưng những hộ nghèo do các yếu tố nội tại, chủ quan thì rất khó thoát nghèo.
Cũng theo xu hướng chung khi tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm, song qua điều tra, khảo sát và bình xét hộ nghèo, tính đến hết năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Tĩnh Gia vẫn còn 6,28%. Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện cũng đã chỉ rõ trong đề án xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng đói nghèo trong đại bộ phận nhân dân, đặc biệt là các xã bãi ngang là do thiếu đất sản xuất, thiếu phương tiện sản xuất, nhiều lao động không tìm được việc làm, không có thu nhập thường xuyên và ổn định... Mặc dù đã được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư đáng kể, song cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, y tế, giáo dục, điện lưới quốc gia, chương trình nước sạch vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.
Có thể nói, đồ thị giảm nghèo ở các xã ven biển nhiều năm trở lại đây, đặc biệt giai đoạn 2016-2020, đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo của các xã ven biển cuối năm 2018 chỉ còn 4.181 hộ (chiếm 3,07%), một số xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm mạnh như: Tân Dân (Tĩnh Gia); Hoằng Yến, Hoằng Tiến (Hoằng Hóa); Nga Tiến, Nga Tân (Nga Sơn); Hưng Lộc (Hậu Lộc)... Đây là kết quả từ các chính sách hỗ trợ đặc thù đầu tư xây dựng hàng trăm công trình hạ tầng thiết yếu, như đường giao thông, đường ra bến cá, khu nuôi trồng thủy sản, kênh mương tưới tiêu, trung tâm văn hóa xã, trạm y tế xã, chợ cá, công trình thoát nước thải sinh hoạt... Tuy nhiên, sự chuyển biến mới chỉ dừng lại ở bấy nhiêu xã là con số quá ít ỏi. Tại buổi đối thoại trực tiếp về công tác giảm nghèo tổ chức vào tháng 10-2018, đại diện Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh và các địa phương vùng biển đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong công tác giảm nghèo, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về nguyên nhân khách quan, đó là ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, hạn hán, sâu bệnh; cơ sở hạ tầng thấp kém; cơ chế, chính sách không đồng bộ. Nguyên nhân chủ quan chính là: Việc triển khai tổ chức thực hiện các chính sách và mục tiêu giảm nghèo của một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu năng động sáng tạo; một bộ phận người nghèo thiếu kiến thức sản xuất, kinh nghiệm làm ăn; công tác tổ chức huy động, vận động nguồn lực có nơi, có lúc còn nặng về hành chính, hiệu quả vận động còn hạn chế. Chưa thu hút được nhiều nguồn tài trợ giúp đỡ của doanh nghiệp, chưa huy động được sự tham gia và đóng góp tích cực của nhân dân cho công cuộc giảm nghèo; số cán bộ giảm nghèo vừa yếu lại vừa thiếu, trình độ không đồng đều nên chưa đáp ứng được công việc...
Để câu chuyện giảm nghèo tại các xã ven biển đạt hiệu quả cao, thời gian tới thiết nghĩ, bên cạnh việc phát huy tối đa các nguồn lực cho công tác giảm nghèo thì việc phát huy nội lực trong nhân dân mới là tiền đề góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.

Trường Giang