Xã hội
Thanh Hóa: Bảo đảm quyền lợi cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
02:35 PM 29/11/2019
Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây hại trong xã hội, nhất là những trẻ có HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, là đối tượng yếu thế, cần được chăm sóc, bảo vệ... Việc chung tay vào cuộc của cả xã hội để giúp trẻ vượt qua rào cản tâm lý, điều trị đúng phương pháp và sống hòa nhập với cộng đồng là việc làm hết sức quan trọng và cấp bách.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1.060 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó có 153 trẻ bị nhiễm HIV/AIDS. Thực hiện Quyết định số 570/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020, Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động thiết thực, xây dựng các chính sách hỗ trợ, tuyên truyền giúp trẻ em nhiễm HIV/AIDS có cuộc sống tốt hơn và có thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1950/QĐ-UBND ngày 24-6-2014 về phê duyệt Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2014-2020 nhằm bảo đảm mọi trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc, tư vấn thích hợp, được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, các chính sách xã hội theo quy định hiện hành; trẻ nhiễm HIV trong diện quản lý được chẩn đoán, điều trị các bệnh có liên quan và các bệnh khác. Không phân biệt kỳ thị với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đồng thời tăng cường các nguồn lực để bảo vệ và chăm sóc tốt cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS..., tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội về công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho trẻ em.
Điều trị ARV cho trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương
Đến nay, 100% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận giáo dục, tư vấn hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và hướng dẫn các chính sách xã hội theo quy định. Nhiều dịch vụ thiết yếu và thân thiện đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được hình thành và ngày càng được mở rộng như hỗ trợ thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, các dịch vụ về chăm sóc, điều trị, tư vấn cho trẻ nhiễm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; cung cấp thuốc ARV miễn phí cho bà mẹ mang thai và trẻ em, xét nghiệm PCR để chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV cho trẻ em được sinh ra từ người mẹ bị HIV; mô hình kết nối toàn diện, tiếp nhận và chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng được tăng cường.
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng về HIV/AIDS. Sau 6 năm triển khai thực hiện, đã truyền thông cho hơn 596.000 lượt người nghiện chích ma túy, hơn 706.000 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; tập huấn trang bị kiến thức về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, kiến thức cơ bản về quyền trẻ em, kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho 1.625 bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và 1.625 trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, hàng năm, nhân Tháng hành động quốc gia về phòng chống HIV/AIDS, Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS, Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực như treo băng-zôn, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, tổ chức các hội thảo, hội nghị tuyên truyền, tư vấn về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em, tư vấn cho các bà mẹ bổ sung vi chất, cách chế biến các loại thức ăn cho trẻ để nuôi dưỡng trẻ khỏe mạnh và phát triển tốt; đồng thời tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tác hại của HIV/AIDS, đường lây truyền chính của HIV/AIDS. Sở Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục về công tác phòng chống HIV/AIDS, nâng cao nhận thức và có hành động tích cực về bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong các trường học.
Các hoạt động tuyên truyền giáo dục được thực hiện lồng ghép trong giảng dạy chính khóa và các hoạt động ngoại khóa với những hình thức phong phú như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, vẽ tranh, mít tinh, tổ chức các câu lạc bộ tuyên truyền về phòng chống ma túy, HIV/AIDS, phòng chống phân biệt đối xử với trẻ em, học sinh bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... Việc chăm sóc sức khỏe và khám, điều trị cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được các cơ sở y tế quan tâm. Sức khỏe của những trẻ nhiễm HIV được điều trị ARV được cải thiện rõ rệt. Đến nay, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố, Bệnh viện Phụ sản và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trong đó tại Bệnh viện Phụ sản và Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa có cấp thuốc ARV, 100% phụ nữ khám thai phát hiện nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ sản phụ này đều được điều trị dự phòng, nhằm giảm tình trạng trẻ sơ sinh bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Bên cạnh việc triển khai các chính sách đối với trẻ em nói chung thì tất cả trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đều được hỗ trợ mua thẻ BHYT, được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hưởng chính sách xã hội theo quy định hiện hành. Từ đó, tạo điều kiện cho 100% các hộ gia đình có trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được lập hồ sơ theo dõi và được cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, làm giảm sự tác động, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Thực hiện tốt chính sách chi trả trợ cấp xã hội cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS; tư vấn, xét nghiệm điều trị duy trì theo định kỳ cũng như đột xuất đối với trẻ em nhiễm HIV/AIDS. Hàng năm các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp tốt với các tổ chức xã hội để quyên góp, trao quà, hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại các địa phương trong tỉnh.
Bên cạnh những hoạt động thiết thực đó, công tác hỗ trợ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, do một số gia đình có người nhiễm HIV/AIDS không muốn công khai, không đưa trẻ em có nguy cơ cao đi xét nghiệm, ảnh hưởng đến việc cập nhật số liệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; nguồn lực cho hoạt động truyền thông còn hạn chế nên nhiều hoạt động chưa được phổ biến sâu rộng; đội ngũ cán bộ y tế trường học làm công tác phòng chống HIV/AIDS còn thiếu, chỉ có 39% đơn vị trường học có cán bộ y tế trường học chuyên trách; phạm vi hoạt động của các chương trình dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cho trẻ vẫn còn hạn chế ở tuyến xã; mạng lưới chăm sóc tại nhà và cộng đồng còn yếu...
Để thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cần có sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội. Trong thời gian tới, các ngành chức năng cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức cho người dân về công tác chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; cung cấp thông tin, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cho các cấp, các ngành, các cơ sở dịch vụ trợ giúp trẻ em, các cơ sở điều trị cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS, các tổ chức xã hội liên quan, cha mẹ và người chăm sóc trẻ; hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho các cơ sở, dịch vụ y tế và các trường học, tạo điều kiện cho các cơ sở này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị, bảo đảm quyền được học tập của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. 
PV