Xã hội
Thành công nhờ đoàn kết lại
03:01 PM 19/10/2018
(LĐXH)- Nhớ một ngày năm 2013, khi chúng tôi đến Tương Dương (Nghệ An), một huyện miền núi còn có tư tưởng phong kiến đè nặng cánh đàn ông, lắng nghe những tâm sự đau lòng của những người mẹ, người vợ bị đối xử tệ bạc trong gia đình thì ai cũng xót xa.
Tuy vậy, thay đổi định kiến của cả một cộng đồng thật vô cùng khó khăn. Khi ấy ở đất núi đá này, những lời nói kiểu như “Xây dựng gia đình hạnh phúc phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau” đều bị bỏ ngoài tai. Thật bất ngờ, chỉ sau hơn ba năm tích cực hành động, tình trạng bạo lực gia đình đã giảm hẳn, dần tạo nền tảng tư tưởng và nhận thức vững chắc cho bà con nơi đây.
Thay đổi từ nhận thức
Tôi vẫn nhớ như in tiếng kêu xé lòng của chị, một phụ nữ thường xuyên bị chồng đánh đập vì những nguyên nhân, những đòi hỏi vô lý của người chồng. Đến nỗi chỉ cần làm chậm một chút là chị bị đánh, bị chửi, thậm chí suýt mất mạng. Trong suy nghĩ của những phụ nữ nơi đây, thoát chết là may mắn, còn bị đánh đập là chuyện bình thường. Còn tư tưởng của không ít đàn ông thì coi phụ nữ như nô lệ, còn mình thì như vua, bảo sao không xảy ra bạo lực gia đình cho được?
Vậy mà năm 2016 này, tình hình chuyển biến hết sức tích cực, nhờ vào thay đổi nhận thức của bộ phận không nhỏ nhân dân nơi đây. Nhận thấy tình trạng phụ nữ hứng chịu bạo lực ngày càng tăng, đảng bộ, chính quyền và các tổ chức xã hội đã vào cuộc, trong đố nổi bật là vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp.
Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Nghệ An
Khó khăn lớn nhất trong kéo giảm bạo lực gia đình ở Tương Dương chính là nhận thức của người đàn ông trong gia đình, việc đó không thể nói khơi khơi cho họ nghe mà phải có những biện pháp vừa cứng rắn vừa mềm mỏng. Có thể nói toàn bộ hệ thống chính trị đã đoàn kết để đưa Tương Dương tiến chắc từng bước một trên con đường phòng chống bạo lực gia đình. Với gần 50% hộ nghèo, nơi đây dĩ nhiên có trình độ dân trí không cao. Đói nghèo, nghiện ngập, bạo lực gia đình dẫn tới hệ quả đau lòng: phụ nữ ly tán, phần do tự nguyện, phần do bị ép buộc.
Quyết tâm không để người phụ nữ đau khổ đã được lan tỏa trong nhiệm vụ của từng cán bộ, hội viên phụ nữ Tương Dương. Hai bài toán khó nhất được đặt ra lúc này là phải làm sao để hạn chế đến mức tối đa việc ly tán của chị em, và thay đổi nhận thức của cánh đàn ông. Hai nhiệm vụ khó khăn đó đã được giải quyết từng bước với những liều thuốc đánh trúng vào cội rễ của căn bệnh trầm kha đó.
Phụ nữ nơi đây sở dĩ bị đối xử tệ bạc bởi họ không có tiếng nói và không được bảo vệ. Chính vì vậy việc đầu tiên Tương Dương làm được chính là liên kết phụ nữ lại và tạo công ăn việc làm để họ có thu nhập, qua đó làm chồng, cha, em mình thấy được vai trò của phụ nữ. Hàng loạt mô hình sẳn xuất, sơ chế sản phẩm nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ cây trồng đã được tổ chức, thu hút hàng trăm chị em phụ nữ tham gia. Dù quy mô nhỏ nhưng chừng đó là đủ để các chị em có thu nhập xấp xỉ 5 triệu/tháng, qua đó tự chủ về mặt tài chính, không bị quá phụ thuộc vào đàn ông.
Nhận thức rõ ràng rằng chỉ có đánh mạnh vào lương tâm của người chồng, người cha trong gia đình thì mới kéo giảm được nạn bạo lực, Công an tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh và các cơ quan chức năng huyện Tương Dương đã hành động tích cực, theo dõi sát các gia đình có biểu hiện bạo lực, cùng với đó là xây dựng thành công mô hình CLB “Phòng chống buôn bán người”, qua đó chặn các hành vi tệ bạc với phụ nữ từ trong trứng nước. Với việc đoàn kết lại, chị em phụ nữ giờ có vị thế cao hơn đáng kể trong cộng đồng, cùng nhau liên kết để phòng chống các hành vi bạo lực gia đình hiệu quả.
Đoàn kết để bảo vệ cộng đồng
Phụ nữ là một cộng đồng quan trọng trong xã hội, nhưng là phái yếu nên cần được bảo vệ, thương yêu và chăm sóc. Tư tưởng tiến bộ ấy dần ăn sâu vào nhận thức ngay cả ở những xã nghèo nhất, tư tưởng phong kiến nhất. Nhưng để thay đổi hoàn toàn nhận thức của xã hội trong việc bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực gia đình là một chặng đường dài và gian nan. Ở Tương Dương - một huyện điển hình về mức độ tồi tệ của nạn bạo lực gia đình, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cùng các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy hiệu quả bước đầu.
Một tiết mục giao lưu văn nghệ huyện Tương Dương
Trong 3 năm từ 2013-2016, nơi đây trở thành chiến tuyến quan trọng trong công cuộc phòng chống bạo lực gia đình, là nơi phải thay đổi được suy nghĩ lạc hậu đã tồn tại bao lâu. Liên tục các chương trình hành động của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Nghệ An, công an tỉnh, huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cho đến các tổ chức xã hội như Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đồng loạt vào cuộc, đem đến nơi đây những phong trào sôi nổi, những đợt tuyên truyền pháp luật mạnh mẽ, tác động lớn đến suy nghĩ, tư tưởng của cả hai giới. Với đàn ông, họ dần thay đổi cách đánh giá về vợ, con gái mình, nhận thức của họ cũng thay đổi tích cực qua các đợt vạn động, tuyên truyền liên tục và sự đấu tranh có hiệu quả của các tổ chức đoàn kết phụ nữ ở cơ sở.
Với cách đánh “vừa cứng rắn vừa mềm mỏng” như vậy, tư tưởng phong kiến coi phụ nữ là “nô lệ”, sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ con mình đã dần được giảm thiểu. Với chị em phụ nữ, tư tưởng chịu đựng cũng dần ra khỏi nếp nghĩ của các chị. Sức mạnh của tình đoàn kết đã vực các chị dậy, dũng cảm đấu tranh với chính chồng, cha mình, hướng đến gia đình bình yên. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc của chính các chị em cũng đóng góp vai trò quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở, tránh khỏi nhiều vụ tan vỡ gia đình.
Đối với Tương Dương, việc xây dựng được mô hình CLB phòng chống buôn người với hơn 70 hội viên là kết quả rất đáng khích lệ  Mô hình này vừa giúp chị em nâng cao tình thần, nâng cao sức mạnh đoàn kết để học tập và làm việc an toàn trước nguy cơ bạo lực gia đình luôn rình rập. Nhìn rộng ra, ở Nghệ An hiện nay, sau 15 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác gia đình, toàn tỉnh Nghệ An đã có 626.420 gia đình văn hóa, đạt 82%, khu dân cư văn hoá đạt tỉ lệ gần 62%. Đến nay 21/21 xã, thị, 100% xã, phường có ban ban chỉ đạo công tác gia đình. Số vụ bạo lực gia đình giảm đáng kể, như Bà Lê Thị Nguyệt - Trưởng phòng Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Nghệ An đã nhận định: “Nhờ có sự vào cuộc của các cấp hội phụ nữ và của các chính quyền địa phương nên thời gian qua công tác phòng chống bạo lực đã có chuyển biến tích cực. Từ đó, giúp chị em được có thêm nhiều kiến thức để bảo vệ mình, xóa dần tình trạng bất bình đẳng giới”
Thực tế trong những năm qua ở nước ta, tình trạng bạo lực gia đình đã có chiều hướng giảm cả về số vụ và tính nghiêm trọng. Tuy vậy, cái đói, cái nghèo và tư tưởng lệch lạc, phong kiến vẫn tồn tại, gây ra những hệ lụy đau lòng ngay trong các gia đình - nơi được coi là bình yên nhất trong cuộc đời mỗi con người. Với những thành công từ một địa bàn khó khăn như Tương Dương, chúng ta có quyền hy vọng rằng nơi đây, cũng như bất cứ nơi đâu trong đất nước Việt Nam sẽ đều đẩy lùi vấn nạn này, đem lại sự bình đẳng và tình yêu thương vốn có cho người phụ nữ.

 

                                                                               Đinh Thành Trung