Lao động
Tháng 9/2021, Hải Dương có 13.512 lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
04:46 PM 27/09/2021
(LĐXH)- Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Dương, trong tháng 9/2021, toàn tỉnh có có 13 doanh nghiệp với 13.512 lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; trong đó, số lao động ngừng việc có thời hạn là 974 người, số tạm hoãn hợp đồng lao động là 135 người…
Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã cơ bản cam kết thực hiện tốt theo Hướng dẫn phòng chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Covid-19 và các hướng dẫn của ngành y tế. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch theo quy định thì phải tạm dừng hoạt động.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp ở Hải Dương đã thích nghi với tình hình thực tế, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách điều chỉnh mô hình kinh doanh, tìm kiếm các giải pháp mới thay thế giải pháp cũ; đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số, đào tạo kỹ năng số cho người lao động, có cách làm việc linh hoạt tùy theo tình hình thực tế (làm việc trực tiếp hoặc qua môi trường mạng). Qua đó, đảm bảo đáp ứng nhu cầu công việc, góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động mặc dù khó khăn hơn rất nhiều giai đoạn trước khi có dịch. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì được sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp xuất khẩu trở lại sau thời gian ngừng sản xuất.

Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Meiko Tawada Việt Nam (KCN Phúc Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương) 

Về vấn đề cung ứng lao động và giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Dương, do đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp làm hạn chế sự di chuyển giữa các tỉnh và ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu lao động từ tỉnh ngoài đến Hải Dương làm việc. Mặc dù, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Điện Biên, Tuyên Quang… thực hiện cung ứng lao động cho các doanh nghiệp tại tỉnh Hải Dương, song do tình hình dịch bệnh khó lường, thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến việc cung ứng lao động còn hạn chế.
Với vai trò là cơ quan đầu mối trong hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, cùng với đa dạng các hình thức tư vấn (tư vấn trực tiếp tại trung tâm, tư vấn tại sàn giao dịch việc làm, tư vấn qua điện thoại, tư vấn trực tuyến…), đội ngũ cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, kịp thời nắm bắt và công bố thông tin tuyển dụng, kết nối cung - cầu lao động.
Cùng với việc tổ chức định kỳ các sàn giao dịch việc làm hằng tháng, Trung tâm còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương; các phiên giao dịch việc làm Online kết nối với các tỉnh, thành phố để người lao động có thêm cơ hội tiếp cận những thông tin cần thiết, hữu ích về những vị trí việc làm còn trống, yêu cầu của doanh nghiệp với ứng viên, các chế độ lương - thưởng cho người lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp…
Kết quả, tháng 9/2021, Trung tâm tổ chức 06 phiên giao dịch việc làm định kỳ, 01 phiên giao dịch việc làm lưu động, tham gia 02 phiên giao dịch việc làm Online; thu hút sự tham gia của 146 doanh nghiệp với 1.587 người lao động, trong đó số người nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại sàn giao dịch là 654 lao động.
Theo ghi nhận, trong tháng 9/2021, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 32 doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ tuyển dụng 1.081 lao động, trong đó số lao động phổ thông là 658 người. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đã phản ánh được thị trường đang thiếu hụt lao động, nhất là lao động phổ thông và là vị trí được nhiều doanh nghiệp đăng tuyển với số lượng lớn. Bởi đây cũng là nguồn lực chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sau đó đến trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học.
Mặc dù đạt được một số kết quả, song do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, lưu thông hàng hóa của tỉnh Hải Dương gặp phải một số khó khăn; kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố vì áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh. Hậu quả là các doanh nghiệp bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng, chi phí lưu kho, lữu bãi tăng, cước vận chuyển tăng, tình hình sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.
Bên cạnh đó, để cầm cự trước dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Đây chính là khó khăn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử… Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động nhưng sản xuất kinh doanh cầm chừng, cho người lao động nghỉ luân phiên để giữ chân người lao động. Cùng với đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn với vấn đề nhập cảnh và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.
Đối với các doanh nghiệp khi hoạt động “3 tại chỗ” tại nơi làm việc, do doanh nghiệp chỉ bố trí cơ sở vật chất để sản xuất, kinh doanh nên việc bố trí thêm chỗ ăn, ngủ, nghỉ cho người lao động tại doanh nghiệp là rất khó khăn, gặp phải nhiều bất cập.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi sản xuất góp phần cải thiện tình hình lao động việc làm, tỉnh Hải Dương kiến nghị Trung ương xây dựng, triển khai giải pháp để số hóa, cập nhật thông tin dữ liệu về người lao động; lưu trữ và quản lý dữ liệu tập trung theo cấp tỉnh, cấp vùng và Trung ương; có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội. Đồng thời, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ việc thu thập, lưu trữ số liệu, phân tích và dự báo về cung – cầu lao động phục vụ yêu cầu quản lý, phân tích, chia sẻ, công bố thông tin về thị trường lao động. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại.
Thời gian tới, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người nlao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị định 23/NĐ-CP. Có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để vừa thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Chí Tâm