Xã hội
Tháng 7 nghĩa tình trên quê hương đất Tổ
02:51 PM 27/09/2019
(LĐXH)- Tháng bảy - tháng có Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), trong tâm thức của mỗi người dân đất Tổ (tỉnh Phú Thọ) đã trở thành tháng tri ân nghĩa tình trong mạch nguồn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc...
Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã đóng góp không ít sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Hàng vạn người con ưu tú của quê hương đất Tổ đã nối tiếp nhau hăng hái lên đường, anh dũng kiên cường, chiến đấu hy sinh, cống hiến xương máu vì mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Toàn tỉnh có 17.825 liệt sĩ, 295 cán bộ lão thành cách mạng, 604 cán bộ tiền khởi nghĩa, 16.239 thương binh, 5.807 bệnh binh, 10.379 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 1.221 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 150.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc…
Giữa cái nắng gắt của trưa hè tháng 7, chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Thư, phường Minh Phương, thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ). Đã gần 100 tuổi nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn lắm, thấy có khách, mẹ chậm rãi bước từng bước ra cửa chào đón với nụ cười móm mém. Mẹ bảo “Mấy hôm nay dở giời, chân mẹ đau nhức chẳng đi đâu được, các con đến thăm mẹ vui lắm. Tuổi già như chuối chín cây nhưng giờ đây, trong căn nhà, mẹ không cô đơn mà luôn quây quần cùng các con, các cháu và tình cảm của bà con hàng xóm láng giềng. Tai mẹ vẫn nghe rõ, giọng vẫn vang và tròn lắm. Mẹ ngồi rưng rưng nhớ về hai con trai la liệt sĩ Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Văn Hiệt cho mọi người cùng nghe. Trong đôi mắt mờ đục vì thời gian, dường như lúc này, bóng dáng các anh đang hiện về ngôi nhà, sẻ chia niềm vui với mẹ trước sự quan tâm của mọi người.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám bệnh cho các đối tượng chính sách ở xã An Đạo (huyện Phù Ninh)

Được biết, từng thma gia trinh chiến và máu xương cho sự nghiệp giành độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, ngày trở về với đời thường, các cựu chiến binh, thanh niên xung phong ở Phú Thọ luôn thấm sâu lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn mà không phế”. Với suy nghĩ ấy, ông Đặng Văn Thao ở khu 1, xã Quân Khê (huyện Hạ Hòa) dù mang thương tật 81% vẫn mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản trên diện tích hơn 1ha, cho thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm. Tới đây, ông vinh dự được cử đi dự hội nghị tuyên dương thương binh tiêu biểu năm 2019 tại thành phố Hà Nội. Ông Đặng Văn Thao chia sẻ: “Công tác chăm sóc gia đình chính sách ngày càng được quan tâm, khiến những người đã hy sinh một phần xương máu nơi chiến trường như chúng tôi được an ủi nhiều. Tôi luôn động viên con cháu phải sống làm sao cho xứng đáng với sự quan tâm của các cấp chính quyền và cộng đồng dành cho gia đình mình.
Trao đổi về công tác chăm sóc các đối tượng người có công ở Hạ Hòa, ông Vũ Đức Hùng, Trưởng phòng Lao động - TBXH huyện, cho biết: Hạ Hòa có trên 17.000 đối tượng người có công là các thương binh, gia đình liệt sĩ, người nhiễm chất độc hóa học… Các hoạt động chăm sóc người có công luôn được quan tâm, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, huy động các nguồn xã hội hóa để xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” duy trì mức trên 200 triệu đồng mỗi năm, tạo nguồn thăm hỏi, hỗ trợ sản xuất, sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các gia đình người có công gặp khó khăn trong cuộc sống. Từ năm 2017 trở lại đây đã có 39 gia đình người có công trong huyện được hỗ trợ về nhà ở từ nguồn xã hội hóa với kinh phí từ 10 - 70 triệu đồng/hộ.
Không chỉ Hạ Hòa, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân ở Phú Thọ còn quan tâm thực hiện tốt phong trào "Toàn dân chăm sóc, giúp đỡ thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công" như: vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách vào các ngày lễ, Tết..
Công tác "Đền ơn đáp nghĩa", tri ân "Uống nước nhớ nguồn" luôn được tỉnh Phú Thọ xã định là chính là đạo lý, nghĩa cử cũng là trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với truyền thống đạo lý đó, công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đã được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, công đồng cư dân quan tâm đặc biệt. Từ các nguồn lực và sự chung tay của cả cộng đồng, nhiều ngôi nhà tình nghĩa khang trang đã hình thành, nhiều món quà mang đậm tình cảm, trách nhiệm với người có công đã được trao tặng. Các hoạt động khác như sửa chữa nhà, thăm hỏi đối tượng khi ốm đau...
Theo số báo cáo của Sở Lao động – TBXH, 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng 59.687 suất quà, với số tiền hơn 10,4 tỷ đồng. Các hoạt động viếng các Anh hùng liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công đã mang lại hiệu quả thiết thực; đảm bảo đúng mục đích, ý nghĩa, đạo lý truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; qua đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và các cấp đối với người có công với cách mạng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tạo mọi điều kiện cho đối tượng chính sách vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Hiện hầu hết các đối tượng chính sách trên địa bàn có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trong khu vực.
Tháng 7 thiêng liêng, xúc động. Sự tri ân đã trở thành một nét đẹp truyền thống và không dừng lại ở tháng 7. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” ở Phú Thọ ngày càng phát triển sâu rộng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng và nét đẹp trong đời sống văn hóa của cả xã hội làm sáng lên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Chí Tâm