Sức khỏe - Đời sống
Thận trọng khi sử dụng thuốc cho trẻ em
10:19 AM 15/03/2018
Khi trẻ bị bệnh, nhiều gia đình có thói quen tự dùng thuốc, sử dụng đơn thuốc cũ, sử dụng không đúng liều lượng, lấy thuốc của người lớn cho trẻ em dùng… Những hành động chủ quan của người lớn khiến sức khỏe của trẻ bị đe dọa, nhiều khi còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị cho bệnh nhi
Cháu Vũ Hà Thanh (3 tuổi), trú tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long, có hệ hô hấp khá nhạy cảm mỗi khi thời tiết thay đổi. Lần này cũng vậy, cháu Thanh bị sổ mũi kèm sốt. Theo đơn thuốc cũ, chị Lại Thị Thu mẹ cháu Thanh đã mua thuốc hạ sốt, giảm đau về cho con uống. Nhưng sau khi uống thuốc, cháu Thanh không hạ sốt nên đã được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Chị Thu chia sẻ: Khi con bị bệnh cần phải sử dụng kháng sinh thì tôi luôn cân nhắc và ưu tiên sử dụng thuốc do bác sỹ kê đơn. Tuy nhiên, một số thuốc khác như giảm đau, hạ sốt, si rô ho… thì thường tự mua theo tư vấn của người bán thuốc. Tương tự, chị Bùi Thị Hương, trú tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, cũng vừa nhập viện cho con là cháu Trần Khôi Nguyên do đau bụng. Trước đó, cháu có đau bụng kèm tiêu chảy nên đã được cho uống thuốc nhưng trẻ vẫn không dứt và đau dữ dội hơn nên đã được gia đình đưa vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Chia sẻ với chúng tôi, bác sỹ CKI Trần Nhị Hà, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Những trường hợp bệnh tình của trẻ nặng hơn do tự chữa ở nhà và chỉ đến bệnh viện khi điều trị không khỏi là chuyện không hiếm. Bệnh cạnh đó, nhiều trẻ em được bố mẹ cho sử dụng thuốc trong các trường hợp không cần thiết, đặc biệt lạm dụng để xử lý các tình huống ho, sổ mũi, sốt, viêm họng... Kháng sinh là thuốc bị lạm dụng nhiều nhất trong điều trị các bệnh này. Trong khi đó, phần lớn các bệnh trên là do virus, nên việc dùng kháng sinh là không cần thiết, vừa tốn kém, vừa tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc và nguy cơ gặp các tác dụng phụ có hại của thuốc.
Cũng theo bác sĩ Hà, việc người lớn tự ý mua thuốc, đặc biệt là lạm dụng thuốc kháng sinh mà không có chỉ định của bác sỹ để dùng cho trẻ sẽ ảnh hưởng đến cơ thể đứa trẻ đang phát triển. Ở trẻ em, các chức  năng về gan, thận, sinh dục... chưa hoàn chỉnh, cơ thể trẻ đang lớn và phát triển nên việc dùng thuốc ở trẻ em phải rất thận trọng, nhất là trẻ dưới 6 tuổi.
heo khuyến cáo của bác sỹ, khi trẻ bị bệnh phải đưa tới các cơ sở y tế để được thăm khám phát hiện bệnh, có chỉ định dùng thuốc, liều lượng và thời gian dùng thuốc thích hợp. Bác sỹ sẽ khám cụ thể trên từng người bệnh, xác định tình trạng bệnh và các yếu tố khác để cân nhắc khi kê đơn thuốc. Nhất là ở giai đoạn sơ sinh (30 ngày đầu sau sinh), liều lượng thuốc cần phải tính toán thật chính xác, vì ở thời kỳ sơ sinh, nguy cơ ngộ độc thuốc tăng lên nhiều do thận lọc kém hiệu quả, các enzym tương đối thiếu hụt, tính nhạy cảm với thuốc của các cơ quan đích rất khác nhau và đặc biệt hệ thống khử độc chưa hoàn chỉnh gây thải trừ chậm.
Dù là thuốc kê đơn hay thuốc không kê đơn, người lớn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng mỗi loại thuốc trước khi sử dụng cho trẻ. Cần tuân thủ cách dùng theo hướng dẫn này hoặc hướng dẫn của bác sỹ, dược sĩ. Không bao giờ được đoán trọng lượng của trẻ để ước lượng liều dùng. Đồng thời theo dõi chặt chẽ những phản ứng phụ của thuốc. Nếu trong quá trình dùng thuốc, thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường hoặc bệnh nặng hơn… cần thông báo cho bác sỹ biết để được xử trí kịp thời.
Với việc tự ý mua thuốc, nhất là thuốc kháng sinh đã dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở nước ta ngày càng tăng, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng, nhất là trẻ em. Trước thực tế đó, Bộ Y tế đã có những quyết định, thông tư hướng dẫn về những loại thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn. Đặc biệt, từ ngày 1/3, Bộ Y tế đã có Thông tư 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó, tại khoản 3, điều 6 của Thông tư quy định: Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi (6 tuổi) thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ trên đơn thuốc.
Như vậy, ngay khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải đem theo chứng minh nhân dân để khi kê đơn các bác sỹ điền đầy đủ các thông tin vừa nêu. Khi có đơn thuốc với đầy đủ thông tin thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ cũng có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc. Đây là một trong những giải pháp nhằm quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn.
Theo Báo Quảng Ninh