Xã hội
Thái Nguyên: cựu chiến binh góp phần xây dựng quê hương
09:35 AM 03/09/2019
(LĐXH) - Đến nay có 99,1% số hộ gia đình chính sách ở Thái Nguyên có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Hiện, Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên có 309 cơ sở hội, 3.231 chi hội, trong đó có 2.947 chi hội nông thôn, xóm, tổ dân phố, với tổng số 71.700 hội viên. Đặc biệt ngày càng nhiều gương thương binh làm kinh tế giỏi, thương binh tiêu biểu xuất sắc trở thành tấm gương cho cộng đồng cũng như thế hệ trẻ noi theo.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện đang quản lý, thực hiện chính sách ưu đãi cho trên 130.000 người có công với cách mạng, trong đó, có 1.158 người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945 và người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa; 576 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 4.440 thương binh; 1.352 bệnh binh; 7.816 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 1.553 con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Hàng tháng thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi cho trên 21.600 đối tượng, với tổng kinh phí trên 550 tỷ đồng. Ngoài ra quản lý và thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho trên 80.000 đối tượng là người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và chế độ mai táng phí khi qua đời.

Các hoạt động tri ân người có công với cách mạng luôn được tỉnh Thái Nguyên thực hiện đầy đủ theo quy định và trọn vẹn nghĩa tình

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, trong những năm qua công tác thương binh - liệt sĩ luôn được cấp ủy đảng, chính quyền ở Thái Nguyên đặc biệt quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện; Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã tích cực tuyên truyền trong nhân dân về công lao to lớn, sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Đến nay có 99,1% số hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Hiện, Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên có 309 cơ sở hội, 3.231 chi hội, trong đó có 2.947 chi hội nông thôn, xóm, tổ dân phố, với tổng số 71.700 hội viên. Đặc biệt ngày càng nhiều gương thương binh làm kinh tế giỏi, thương binh tiêu biểu xuất sắc trở thành tấm gương cho cộng đồng cũng như thế hệ trẻ noi theo.

Theo báo cáo của Hội Cựu chiến binh huyện Đồng Hỷ, Hội có gần 5.000 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 17 cơ sở hội. Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thời gian qua, huyện Hội đã triển khai nhiều chương trình, như: Hỗ trợ cho vay vốn; xóa nhà dột nát cho hội viên nghèo; thăm hỏi, động viên những hội viên ốm đau, bệnh tật.... Từ nguồn vốn được giao ủy thác quản lý vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, cùng nguồn quỹ của Hội, nhiều hội viên đã được vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất. Hiện nay, có 4 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 42 trang trại, gia trại và trên 210 mô hình sản xuất kinh doanh doanh giỏi đều do hội viên cựu chiến binh huyện làm chủ với doanh thu hằng năm đạt từ 500 triệu đồng đến gần 2 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ gia đình cựu chiến binh có thu nhập khá, giàu ngày càng tăng, góp phần giảm tỷ lệ hộ hội viên nghèo. Qua rà soát, hiện nay, Hội Cựu chiến binh huyện chỉ còn 166 gia đình hội viên nghèo và 114 hộ cận nghèo (giảm 86 hộ nghèo và 151 hộ cận nghèo so với năm 2017). Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp hội cực chiến binh ở Đồng Hỷ còn gương mẫu đi đầu, tích cực tham gia các phong trào thi đua, nổi bật nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện có 205 xóm, tổ dân phố, Hội Cựu chiến binh các cấp tham gia cùng các đoàn thể và nhân dân xây dựng nhà văn hóa cho 201 xóm, tổ dân phố; trong đó có 119 nhà văn hóa đạt chuẩn Nông thôn mới. Những xã có nhà văn hóa xóm đạt chuẩn cao, như: Quang Sơn 14/15 nhà; Minh Lập 17/19 nhà; Khe Mo 12/15 nhà... Hai xã Hòa Bình và Hoá Thượng có 100% số xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn. Đây là nơi sinh hoạt động đồng, nâng cao ý thức tập thể, đời sống văn hóa thể thao cho CCB và nhân dân. Xã Khe Mo đạt chuẩn NTM năm 2017, do huy động được trên 91 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; hội viên cựu chiến binh và nhân dân đóng góp trên 30,5 tỷ đồng, tự nguyện hiến gần 31.000m2 đất để giải phóng mặt bằng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, Hội đã tranh thủ các nguồn kinh phí khác nhau để hỗ trợ xóa nhà dột nát cho hội viên nghèo. Riêng trong 2 năm 2017-2018, Hội hỗ trợ xây mới và sửa chữa 184 ngôi nhà; riêng năm 2018, xóa được 4 nhà cho hội viên khó khăn với tổng kinh phí 190 triệu đồng.

Mỗi cựu chiến binh đều là một chiến sỹ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở quê hương cách mạng  

Với sự đồng tâm, đồng sức của cả cộng đồng, sự gương mẫu đi đầu của thế hệ cựu binh ở Đồng Hỷ đã góp phần thúc đẩy quê hương cách mạng anh hùng thay đổi từng ngày, đời sống nhân dân khấm khá và ổn định, cũng nhờ vậy, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc cho đối tượng chính sách toàn diện hơn. Tại các địa bàn có hộ gia đình chính sách đều được nhân dân thăm hỏi, động viên bằng vật chất, tinh thần làm tăng thêm sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Các hội, đoàn thể cũng chung tay góp sức hỗ trợ, giúp đỡ cho người có công, các gia đình chính sách. Bản thân người có công cũng luôn sống mẫu mực, nhắc nhở nhau thực hiện tốt các hương ước, quy ước của địa phương, chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh việc tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định thì chính sự quan tâm, trợ giúp từ cấp cơ sở, cộng đồng địa phương sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và thúc đẩy phong trào đền ơn đáp nghĩa của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất./.

Trần Huyền