Xã hội
Thái Bình: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững
10:50 AM 15/11/2021
(LĐXH) - Ước thực hiện năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Thái Bình giảm còn 2% (giảm 0,35% so với năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo theo kết quả Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 ước còn 3,23%.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo đã đầu tư phát triển
sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Thái Bình đã triển khai hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương, huy động mọi nguồn lực của đia phương để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thống kê, tổng số hộ nghèo năm 2020 trên địa bàn tỉnh là 15.279 hộ, tỷ lệ hộ nghèo 2,35%, trong đó có 15.228 hộ (chiếm 99,67%) hộ nghèo về thu nhập (N1); 51 hộ (chiếm 0,33%) hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (N2). Tổng số hộ cận nghèo là 16.611 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo 2,56%.
Trong năm 2021, Sở Lao động – TBXH đã tích cực phối hợp với thành viên BCĐ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo kiểm tra công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện, thành phố; Tiếp tục theo dõi và đôn đốc các địa phương nghiêm túc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; Phối hợp thẩm định và xét duyệt các xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao năm 2021 và một số nội dung liên quan đến công tác giảm nghèo của tỉnh. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Trình UBND Quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 (theo QĐ 59/2015/QĐ-TTg) và phê duyệt kết quả Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 (theo NĐ số 07/2021/NĐ-CP) và Quyết định cấp thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022. Việc thực hiện các chính sách, dự án cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền đoàn thể quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện tích cực, nhân dân đồng tình hưởng ứng; Nhận thức về trách nhiệm giảm nghèo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và chính người nghèo được nâng lên và trở thành nhiệm vụ thường xuyên của địa phương. Nhìn chung, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Số hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh được triển khai mạnh mẽ, đã thay đổi diện mạo của nông thôn Thái Bình, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Ước thực hiện năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Thái Bình giảm còn 2% 
Thực hiện chính sách giảm nghèo, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp 16.816 thẻ BHYT cho người nghèo, kinh phí trên 10.420 triệu đồng và 26.682 thẻ BHYT cho người cận nghèo, kinh phí hỗ trợ trên 15.448 triệu đồng; Thực hiện chính sách hỗ trợ miễn học phí cho 6.847 lượt học sinh nghèo, hỗ trợ giảm học phí cho 3.184 lượt học sinh cận nghèo, hỗ trợ chi phí học tập cho 4.223 lượt học sinh nghèo, cận nghèo. Số trẻ em học mẫu giáo thuộc hộ nghèo được hỗ trợ tiền ăn trưa là 1.223 lượt trẻ em. Đối với chính sách cho vay tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, theo báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội đến nay, đã có 471 hộ nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí 21.427 triệu đồng; 749 hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí 33.814 triệu đồng; 7.095 hộ thoát nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí 323.477 triệu đồng; Tỉnh đã tạo việc làm mới cho 16.760 lao động (đạt 48,5% kế hoạch năm), trong đó việc làm tại địa phương 12.300 lao động, đi làm việc tại tỉnh ngoài 3.600 lao động và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 860 lao động. Toàn tỉnh có 15.123 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với tổng kinh phí trên 7.463,7 triệu đồng.
Song song với đó, Thái Bình cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đặc biệt tuyên truyền về phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025. Sở Lao động – TBXH đã phối hợp các huyện, thành phố tổ chức tập huấn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 cho gần 700 đại biểu là BCĐ thực hiện Chương trình giảm nghèo cấp huyện, Lãnh đạo UBND xã/phường/thị trấn và cán bộ làm công tác giảm nghèo trên địa bàn; Phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện trao tặng 1.000 suất quà cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách giảm nghèo tại Thái Bình cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hạn chế tập trung đông người nên không tổ chức tập huấn phương pháp rà soát phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 đến cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp thôn dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện tổng rà soát tại địa phương. Thêm vào đó, Trung ương chưa phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021, nên khó khăn trong việc triển khai công tác giảm nghèo năm 2021. Bộ công cụ thực hiện Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 – 2025 còn nhiều bất cập, nhiều tiêu chí không rõ ràng, không phản ánh đúng thực trạng tại địa phương, không phân loại được đặc điểm vùng, miền, trong khi đó, cán bộ cấp tỉnh, huyện được tập huấn online nhưng không có cơ hội giải thích, làm rõ các tiêu chí đó dẫn đến sự thắc mắc của người dân.
Tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm 1/3 quy mô số hộ nghèo trở lên so với năm 2022 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nghèo, tạo việc làm gắn với thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo; Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cho 100% người nghèo, người cận nghèo theo quy định, đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thường xuyên, được cấp thẻ BHYT và được hỗ trợ mai táng phí khi từ trần theo đúng quy định của chính sách. Thực hiện trợ giúp đột xuất đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; vận động xã hội hóa tham gia thực hiện trợ giúp xã hội.
Trên cơ sở đó, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, để phục vụ lợi ích chung của xã hội và điều tiết cho người nghèo. Gắn mục tiêu giảm nghèo từng năm, từng giai đoạn cụ thể với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo. Huy động các nguồn lực của xã hội để giảm nghèo; Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân và các doanh nghiệp (trong nước và nước ngoài) đóng góp ủng hộ thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Có chính sách định hướng hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh góp phần tham gia thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đổi mới cơ chế, chính sách, tạo môi trường để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo về vốn, kiến thức khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Tăng cường công tác thông tin thị trường và xúc tiến thương mại hỗ trợ người nghèo tiếp cận nhanh hơn các yếu tố sản xuất. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo. Mở rộng đào tạo nghề, nâng cao trình độ về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất cho người lao động và hộ nghèo; phát triển đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng công cuộc giảm nghèo. Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ. Tăng cường công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người nghèo về mục tiêu giảm nghèo, nhằm nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy ý chí tự vươn lên thoát nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, dự án, chương trình giảm nghèo, đảm bảo tính minh bạch, công khai, dân chủ./.
Hồng Phượng