Lao động
Tây Ninh cho vay 317,402 tỷ đồng giải quyết việc làm
01:40 PM 13/07/2021
(LĐXH)- Tính đến ngày 30/6/2021, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm của tỉnh Tây Ninh là 317,402 tỷ đồng, gồm: nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm 64,370 tỷ đồng, nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội 155,050 tỷ đồng, nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội là 97,982 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê đến hết năm 2020, dân số toàn tỉnh Tây Ninh là 1.184.571 người, số người trong độ tuổi lao động 698.900 người, chiếm 59% dân số. Dự báo đến năm 2025, dân số Tây Ninh khoảng 1.218.000 người, số người trong độ tuổi lao động 718.600 người.
Những năm qua, để hoàn thành tốt các chỉ tiêu về giải quyết việc làm, Tây Ninh đã triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện linh hoạt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp an tâm đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
Đặc biệt, để thực hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách về giải quyết việc làm, hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tây Ninh phối hợp tổ chức tuyên truyền về chính sách vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, huy động nguồn vốn…

Nhiều người dân xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh) được vay vốn giải quyết việc làm để duy trì nghề truyền thống

Kết quả, tính đến ngày 30/6/2021, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm của tỉnh Tây Ninh là 317,402 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm 64,370 tỷ đồng, nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội 155,050 tỷ đồng, nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội 97,982 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh số cho vay từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm giai đoạn 2016 – 2021 đạt 113,617 tỷ đồng, tổng dư nợ đến 30/6/2021 là 62,856 tỷ đồng và số vốn tồn đọng là 1,514 tỷ đồng. Tổng số dự án cho vay là 5.270 dự án, trong đó có 160 dự án của người khuyết tật, 26 dự án của người dân tộc thiểu số; số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 5.657 ngươi.
Doanh số cho vay từ nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2016 - 2021 đạt 210,096 tỷ đồng, tổng dư nợ đến 30/6/2021 là 153,783 tỷ đồng. Tổng số dự án cho vay là 7.970 dự án, trong đó có 56 dự án của người khuyết tật, 62 dự án của người dân tộc thiểu số. Số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 8.472 người.
Doanh số cho vay từ nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 109,675 tỷ đồng, tổng dư nợ đến 30/6/2021 là 97,510 tỷ đồng. Tổng số dự án cho vay giai là 3.373 dự án, trong đó có 160 dự án của người khuyết tật, 26 dự án của người dân tộc thiểu số. Số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 3.409 lao động, bao gồm: 1.797 lao động nữ, 08 lao động là người khuyết tật, 14 lao động là người dân tộc thiểu số...
Theo đánh giá từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tây Ninh, những năm qua, chương trình giải quyết việc làm đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, đơn vị, nhất là sự tham gia hưởng ứng của người lao động.
Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực cho việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm; kết quả công tác giải quyết việc làm tăng thêm luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Thông qua nguồn vốn chương trình cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh đã hỗ trợ cho vay nhiều đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn. Giúp họ có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng.
Đặc biệt, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao cuộc sống cho người lao động. Từ nguồn vốn, có rất nhiều nghề truyền thống được duy trì như: đan lát từ mây, tre, nứa; se nhang, làm bánh tráng…; đồng thời, các mô hình kinh tế có hiệu quả cao được xây dựng như trồng rau sạch, làm nem, nuôi cá, nuôi ba ba…
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song khó khăn mà Tây Ninh gặp phải hiện nay là nhu cầu mức vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm ngày càng cao nhưng nguồn vốn cho vay còn hạn chế, mức cho vay bình quân 01 lao động chỉ có 25,1 triệu đồng.
Một số nơi, công tác phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc sử dụng vốn của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế dẫn đến một bộ phận người vay sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao. Tỉnh vẫn còn một số địa phương chưa thật sự quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm…

Chí Tâm