Thời sự
Tàu giã cào vẫn quét biển gần bờ tận diệt hải sản
09:04 AM 21/05/2020
Nhiều tàu giã cào không những đánh bắt sai vùng biển được quy định, thậm chí một số phương tiện còn dùng kích điện tận diệt nguồn hải sản ven bờ.
Thời gian qua, có nhiều nguồn tin phản ánh của người dân về tình trạng các tàu giã cào vẫn thường xuyên hoạt động tại các vùng biển ven bờ tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, thậm chí còn có nhiều phương tiện sử dụng kích điện tận diệt nguồn hải sản. Mặc dù lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã tập trung xử lý, nhiều lần xử phạt theo Nghị định 42 ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ, tuy nhiên vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng trên.
81
Những tàu giã cào trở về với đủ thứ hải sản...

Có mặt tại cảng cá ở vùng ven biển Nghệ An, một bạn đọc đã trực tiếp ghi lại những hình ảnh tại các cảng cá. Khi những con thuyền đổ về, hải sản đánh bắt được đủ các chủng loại, kích cỡ… trong đó đa phần là các loài hải sản sống ở tầng đáy ở vùng biển gần bờ. Nhiều tàu có công suất, kích thước lớn vì lợi ích kinh tế trước mắt vẫn bất chấp quy định tiến vào các vùng biển gần để đánh bắt hải sản vi phạm quy định.

Theo số liệu thống kê của Chi Cục thủy sản Nghệ An, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện xử phạt hành chính nhiều trường hợp liên quan. Trong đó chủ yếu là các tàu giã cào công suất lớn, có chiều dài từ 12m đến trên 15m vào vùng biển ven bờ Nghệ An đánh bắt, tận diệt hải sản. Mức xử phạt theo quy định chủ yếu từ 15 – 25 triệu đồng.

83

Những bộ cào bằng kim loại được trang bị để xới tung lớp đáy biển gần bờ tận thu hải sản.

Cụ thể đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ sẽ bị xử phạt hành chính 25 triệu đồng. Đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ sẽ bị xử phạt 15 triệu đồng. Thậm chí trong số liệu thống kê của Chi Cục thủy sản Nghệ An nhiều trường hợp tàu cá vẫn sử dụng công cụ kích điện để đánh bắt thủy hải sản đã bị xử phạt.
Theo ông Nguyễn Chí Lương – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn một số trường hợp tàu dã cào hoạt động, thậm chí một số trường hợp tàu cá vẫn sử dụng công cụ kích điện để đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển ven bờ. Chi cục cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiên quyết xử lý theo quy định những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên quá trình xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi những tàu có công suất lớn, khi phát hiện lực lượng chức năng lập tức bỏ chạy… nên không thể truy đuổi.
Việc tàu giã cào khai thác thủy sản vùng biển ven bờ cũng gây ảnh hưởng rất lớn đối với hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản. Đối với tàu cá có kích thước, công suất khác nhau sẽ có vùng đánh bắt được quy định cụ thể… tuy nhiên nhiều trường hợp vì lợi ích kinh tế trước mắt đánh bắt ở những vùng biển ven bờ.
82

Hoạt động của các tàu giã cào ở vùng biển gần bờ gây tác động lớn đến hệ sinh thái ven bờ.

Nghề giã cào vốn là một nghề truyền thống của ngư dân các vùng biển ngang, hình thức đánh giã cào chỉ giành cho những chiếc thuyền nhỏ, thúng của ngư dân đánh bắt ven bờ và vùng lộng. Ở một số vùng biển, kể cả những thuyền nhỏ này cũng bị hạn chế hoạt động và có những quy định về mắt lưới, thời gian và địa điểm khai thác bởi đây là kiểu đánh bắt theo phương thức “tận diệt” nguồn lợi thủy hải sản.
Đánh giã cào ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái ven bờ, chính vì vậy những tàu có công suất lớn chỉ được đánh bắt hình thức này ở ngoài khơi và ở một số vùng biển nhất định. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều tàu cá lớn đã bất chấp quy định tiến vào sát bờ đánh bắt, tận thu triệt để các nguồn lợi hải sản, nhất là vào mùa các loài thủy hải sản và vùng lộng để sinh sản, điều này khiến ngư dân đánh bắt ven bờ vô cùng bức xúc.

Theo phapluatplus.vn