Xã hội
Tập huấn xây dựng và triển khai chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam
08:33 AM 05/12/2017
(LĐXH) Trong 3 ngày từ 4-6/12, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, Bộ Lao động– TBXH đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức khóa đào tạo, tập huấn giảng viên nguồn về “Xây dựng và triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam). Đây là chương trình đào tạo dành cho cán bộ nguồn của ngành ở cấp Trung ương và địa phương.
Tham dự lớp tập huấn, có TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động- TBXH); bà Nguyễn Thị Ngọc Hân, Cán bộ Chương trình UNDP; đại diện một số đơn vị của Bộ Lao động – TBXH, các bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu; giảng viên cao cấp đến từ các tổ chức quốc tế; đại diện một số Sở Lao động – TBXH, Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội.
TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc khóa tập huấn
Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị xã hội, thể hiện Nhà nước vì dân. Hệ thống pháp luật và chính sách phát triển các lĩnh vực xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện, diện thụ hưởng ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực xã hội ngày càng lớn. Các lĩnh vực xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là giảm nghèo, tạo việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn… Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị xã hội. Nước ta được Liên hợp quốc công nhận là một trong các quốc gia đi đầu trong việc thực hiện một số mục tiêu thiên niên kỷ.
Chuyên gia tổ chức UNDP phát biểu tại lớp tập huấn
Tuy nhiên, cũng theo TS. Nguyễn Văn Hồi, hiện nay, lĩnh vực xã hội của nước ta còn một số hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục như: Công tác tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao; Mức trợ cấp xã hội còn thấp; Chất lượng giáo dục đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT còn thấp; Đời sống của một bộ phận người yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn…
Trước thực tế đó, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 và Quyết định số 488/QĐ-TTg về Đề án đổi mới và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu là tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; năm 2025 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 50% tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Về trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 7-8 triệu người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên, trong đó trên 40% là người cao tuổi; đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tại khóa tập huấn, các đại biểu được nghe các chuyên gia đến từ các bộ, ngành, trường đại học, tổ chức quốc tế giới thiệu 6 chuyên đề chính liên quan đến chính sách ASXH, bao gồm: (i) Định nghĩa, khái niệm, các mô hình ASXH tiên tiến; (ii) Hệ thống ASXH/các mô hình trên thế giới và những điển hình thành công; (iii) Lập kế hoạch, thực hiện cải cách mở rộng quy mô, quản lý việc mở rộng và tài chính cho việc thực hiện; (iiii) Tài chính trong trợ giúp xã hội; (v) Bảo hiểm xã hội; (vi) Công tác xã hội.
TS. Nguyễn Hải Hữu, chuyên gia công tác xã hội phát biểu tham luận
Theo GS. TS Michael Samson, người có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ASXH, đặc biệt là trong thiết kế, thực hiện và theo dõi, đánh giá chương trình chuyển giao tiền mặt xã hội, ASXH là một phức hợp các biện pháp can thiệp chính thức của Nhà nước nhằm giảm các rủi ro về kinh tế xã hội, các tổn thương, sự loại trừ và thiếu thốn cho người dân, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng, công bằng.
ASXH bao gồm các trụ cột chính là: Trợ giúp xã hội/Các trợ cấp xã hội; Bảo hiểm xã hội; Chăm sóc xã hội/Công tác xã hội.
ASXH giúp thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ như: Giải quyết nghèo đói và bất bình đẳng; Tăng cường an ninh lương thực; Cải thiện sức khỏe và phát triển nhận thức; Phát triển giáo dục; Thúc đẩy bình đẳng giới; Quản lý môi trường cấp hộ gia đình tốt hơn; Tăng cường hòa nhập và gắn kết xã hội; Đẩy mạnh phát triển toàn diện, việc làm bền vững và hiệu quả hơn; Cải thiện khả năng phục hồi kinh tế vĩ mô; Tăng cường cơ hội hợp tác phát triển.
Hồng Phượng