Thời sự
Tập huấn về công tác thông tin đối ngoại 2017 tại Hà Nội
02:30 PM 22/06/2017
(LĐXH) - Sáng ngày 20/6, tại Hội trường khách sạn Điện Lực (Hà Nội), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức buổi Tập huấn về công tác thông tin đối ngoại năm 2017 cho các cán bộ từ các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng các đơn vị, Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ.
Tới dự có đồng chí Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cùng hai giảng viên là Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Văn phòng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ và đồng chí Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phát biểu khai mạc buổi Tập huấn, đồng chí Lê Kim Dung khẳng định vai trò của công tác thông tin đối ngoại trong việc hỗ trợ triển khai, nâng cao nhận thức trong việc hội nhập quốc tế và công tác nhân quyền, đặc biệt liên quan tới những vấn đề nhạy cảm như quyền người lao động, quyền cho người yếu thế, quyền trẻ em,.... Thêm vào đó, Quyết định số 145/Qđ-TTg về việc phê duyệt chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016 càng tăng thêm tính cấp thiết của việc tăng cường công tác thông tin đối ngoại, tạo dựng, bảo vệ hình ảnh và uy tín của quốc gia, của lãnh đạo đối với người dân trong nước và quốc tế.
Ở phần đầu của buổi tập huấn, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn đã giới thiệu về công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, phổ biến thông tin, kiến thức về công tác nhân quyền đã và đang được thực hiện thời gian gần đây.Theo đó, việc triển khai công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền đã được triển khai nhằm nâng cao hiểu biết của người dân trong việc thực hiện quyền công dân và quyền con người, tạo hình ảnh tích cực cho chính quyền và cán bộ tham gia công tác. Tuy nhiên, có nhiều tổ chức, cá nhân đã âm mưu lợi dụng hình thức dân chủ và nhân quyền để tiến hành phản động, chống phá Nhà nước. Bởi vậy, vai trò của công tác thông tin đối ngoại còn là cung cấp thông tin chính thống, vận động tư tưởng để người dân không bị nhiễu thông tin, bị dụ dỗ bởi các tổ chức phản động do thiếu kiến thức và hiểu biết.
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn giới thiệu về công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới
Tiếp theo, đồng chí Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại đã phân tích một số ví dụ thực tiễn trong việc triển khai công tác thông tin đối ngoại nhằm xử lý khủng hoảng truyền thông. Tuy các hoạt động liên quan tới thông tin đối ngoại có được quan tâm và thực hiện, song vẫn chưa đủ để đảm bảo hiệu quả về lâu dài. Nhất là các cơ quan Nhà nước, ban ngành vẫn chưa có bộ phận truyền thông riêng phụ trách về mảng thông tin đối ngoại, dẫn đến việc lúng túng, bị động khi đối mặt với các khủng hoảng truyền thông, gây mất lòng tin ở nhân dân.
Trong phần trình bày của mình, đồng chí Nghiêm cho biết để tránh những trường hợp bất lợi như trên, cần có sự đầu tư đúng đắn và lâu dài trong việc thành lập và phát triển bộ phận Truyền thông riêng biệt tại mỗi cơ quan, đoàn thể Nhà nước. Cụ thể, bộ phận Truyền thông có trách nhiệm tổ chức các hình thức công tác truyền thông cho báo chí một cách minh bạch (tổ chức họp báo, đăng nội dung phát ngôn trên cổng thông tin, mạng xã hội, gửi nội dung trả lời phỏng vấn bằng văn bản, email,...); xác định các hình thức khủng hoảng truyền thông khác nhau thông qua những dấu hiệu đặc trưng; theo dõi, tổng hợp thông tin thường xuyên để chủ động nắm bắt tình hình khi xử lý khủng hoảng truyền thông; xây dựng chiến lược truyền thông cụ thể, xây dựng, bảo vệ, giữ gìn hình ảnh, uy tín của lãnh đạo, Nhà nước.
Đồng chí Lê Văn Nghiêm dặn dò học viên về công tác phát ngôn của mỗi cán bộ công chức Nhà nước
Ngoài ra, mỗi cán bộ công chức Nhà nước đều cần có trách nhiệm với lời nói của bản thân, tránh những phát ngôn thiếu cân nhắc, suy nghĩ làm tổn hại tới hình ảnh cá nhân và uy tín của Đảng, Nhà nước. Để làm được điều đó, cần phải tự trau dồi, bồi dưỡng thêm kiến thức về những lĩnh vực liên quan tới ngành, cập nhật tin tức hàng ngày để tránh lạc hậu, bị động khi phát ngôn liên quan tới những vấn đề nhạy cảm hoặc còn gây tranh cãi.

Minh Ngọc