Xã hội
Tập huấn bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng
10:13 AM 26/08/2022
LĐXH - Nhằm nâng cao nhận thức của các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí về việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Báo chí đã tổ chức tập huấn bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.

Thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg về Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025, đến nay, Cục Báo chí thông tin đã tăng cường thông tin, tuyên truyền đến xã hội, tổ chức, doanh nghiệp, cha mẹ, giáo viên, người nuôi dưỡng trẻ, đặc biệt là các cơ quan báo chí về hiện trạng, các nguy cơ đối với trẻ em trên môi trường mạng và các kiến thức, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng.

Nhằm nâng cao nhận thức của các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí về việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Báo chí đã tổ chức tập huấn bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.

Phó Cục trưởng Cục Báo chí phát biểu tại hội nghị tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng internet được coi là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Với Internet, trẻ em có thể truy cập, tìm kiếm những điều bổ ích và những điều mình thích, nhưng song hành cùng những tiện ích lành mạnh là những tác động xấu, ảnh hưởng tới nhận thức của trẻ. Để an toàn trên môi trường mạng và không lạc lối khi bước vào thế giới này, trẻ em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng, nhận biết cần và đủ. Báo chí đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác thông tin và truyền thông về các vấn đề trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho các đối tượng là cha mẹ, người chăm sóc trẻ nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

100 phóng viên, biên tập viên tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã tham gia tập huấn

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – TBXH), một khảo sát mới đây cho thấy trung bình trẻ em thường sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào mạng xã hội. Cùng với những mặt tích cực thì cũng kèm theo những mặt tiêu cực. Theo đó, thông qua tổng đài 111, từ năm 2021 đến tháng 7-2022, có 688 cuộc gọi tư vấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Các em quan tâm đến 3 nhóm vấn đề: xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; cách sử dụng internet tương tác an toàn; tư vấn khi trẻ bị dụ bỗ.

Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu của Chương trình nhằm bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật; trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng…

Thống kê của Cục Báo chí, từ đầu năm đến nay có hơn 145.000 tin, bài tuyên truyền về lĩnh vực trẻ em, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Các cơ quan báo chí cơ bản đã phát huy sứ mệnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và trẻ em trong việc hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, an toàn, sáng tạo trên môi trường mạng…

Trần Huyền