Lao động
Tạo việc làm cho người cao tuổi: Tại sao không?
02:05 PM 22/12/2017
(LĐXH) Xã hội Việt Nam vẫn có tư duy người cao tuổi sau khi nghỉ hưu thường cần được nghỉ ngơi và dành thời gian cho con cháu, chăm sóc vườn tược,…. Ngược lại, những người già khi tham gia lao động lại bị cho là do con cái không chăm sóc hoặc bị ép phải làm việc kiếm tiền cho gia đình. Sự thật là khi chuyển từ tuổi lao động sang tuổi già, vẫn có một tỷ lệ đáng kể người cao tuổi vẫn có nhu cầu làm việc. Đã đến lúc xã hội cần nhìn nhận lại những nhu cầu chính đáng này và tạo điều kiện việc làm cho người cao tuổi tại Việt Nam.
Nước ta hiện đã vượt qua thời kì dân số vàng và bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 trong bối cảnh vẫn là một nước có mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2017, số lượng người cao tuổi trong nước là khoảng 10,1 triệu người, riêng số người từ 80 tuổi trở lên là hai triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Như vậy, ngân sách nhà nước sẽ phải chịu áp lực lớn về quỹ lương hưu cho người cao tuổi trong khi thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng trong tương lai. Đây là một thách thức lớn khi khả năng đóng góp của người lao động vào quỹ lương hưu thấp do mức lương và thu nhập của người lao động thấp. Với khả năng đóng góp vào quỹ lương hưu thấp, tỷ lệ người lao động được hưởng lương hưu thấp và sự eo hẹp của ngân sách nhà nước, nguồn hỗ trợ chính thức dựa trên Nhà nước sẽ khó có thể đảm bảo mức hỗ trợ tốt cho người cao tuổi, đặc biệt là với những người không có lương hưu.
Theo ông Eduardo Klien, Giám đốc Khu vực Đông Á Thái Bình Dương của Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế, tại sao xã hội lại bắt người cao tuổi phải nghỉ hưu, trong đó tự đặt lên vai mình gánh nặng về an sinh xã hội đối với người cao tuổi mà không cho họ cơ hội đóng góp trí tuệ, kỹ năng trong các lĩnh vực? Ông cũng cho rằng các chính sách phải hướng tới cung cấp cơ hội lao động cho người cao tuổi, nhất là ở lĩnh vực phi chính thức, tạo điều kiện linh hoạt cho người cao tuổi, phù hợp với sức khỏe, năng lực, trí tuệ để họ được đóng góp cho xã hội. Đây là điều mà một số quốc gia phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm được.
Người cao tuổi Nhật Bản có thể lựa chọn công việc phù hợp với sức khỏe của mình
Ví dụ, ở Singapore, lái xe taxi có thể lên đến 70 – 75 tuổi, do đó, người cao tuổi sẽ cảm thấy vui vẻ, có ích; giúp tăng năng suất lao động ở tuổi nghỉ hưu. Tại Nhật, có những người lao động có sự nghiệp thành công rực rỡ sau khi nghỉ hưu lại tiếp tục làm các công việc điều dưỡng hoặc điều hành chuỗi cửa hàng bán đồ ăn khi đã 70,71 tuổi. Lý do cho việc tiếp tục lao động của người Nhật Bản rất đa dạng. Tuy nhiên, phần lớn những người được hỏi đều khẳng định họ không muốn từ bỏ công việc khi vẫn còn sức khỏe và vẫn làm việc đến khi nào có thể để hạn chế làm phiền con cháu. Hàn Quốc còn tổ chức chương trình “Màn hai cuộc đời”, gồm các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm và ngày hội việc làm cho người cao tuổi, hỗ trợ được trên 20.000 người già tìm kiếm được việc làm. Đồng thời, Quỹ Lao động Hàn Quốc còn có Chương trình "Đứng lên trở lại" để hỗ trợ cho người nghỉ việc trên 40 tuổi, hình thành các câu lạc bộ tìm việc ở từng lĩnh vực để họ giúp nhau chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau tìm việc làm…
Rõ ràng trong thời gian tới, cần thay đổi tư duy của người dân về vấn đề tạo việc làm cho người cao tuổi, gạt bỏ lối suy nghĩ cũ, tiến tới tương lai trong đó người già có quyền tham gia lực lượng lao động theo nguyện vọng của mình. Theo đó, người cao tuổi không những được chăm lo tốt về sức khỏe, mà cả văn hóa; đồng thời phát huy vai trò lao động sản xuất, vai trò xã hội, cũng như trí tuệ của người cao tuổi, bảo đảm lợi ích cho tất cả mọi người. Đây là vấn đề không mới với thế giới, nhưng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam và Việt Nam phải biến điều này thành cơ hội.
Minh Ngọc