Lao động
Tạo đà bứt phá trong công tác xuất khẩu lao động ở Ninh Thuận
04:52 PM 15/01/2020
LĐXH - trong năm 2019 vừa qua, tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện đào tạo nghề nghiệp cho 9.326 người, đạt 109,72%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,8%; toàn tỉnh đã tạo mới việc làm cho 17.174 người, đạt 110,8%; toàn tỉnh đã đưa được 270 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 138% kế hoạch giao.

Năm 2019, là năm thứ tư liên tiếp ngành Lao động – thương binh và Xã hội Ninh Thuận hoàn thành đạt 100% Chương trình công tác của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh giao. Với vai trò là cơ quan chủ lực trong công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Thuận đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách về giải quyết việc làm, đưa người lao động đi XKLĐ. Ngay từ đầu năm 2019, căn cứ Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2016, Quyết định số 404/QĐ-UBND ngày 18/02/2016 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Xuất khẩu lao động tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020, ngày 11/3/2019, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 851/KH-UBND triển khai các hoạt động nhằm bứt phá công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận…

Lao động huyện Bác Ái được tuyển chọn theo Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã có quyết định giao chỉ tiêu giải quyết việc làm - XKLĐ cụ thể cho từng xã, phường, thị trấn để thực hiện. Dự án Vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm góp phần quan trọng trong việc cho người dân vay vốn đi XKLĐ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Cùng với đó, các địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác XKLĐ. Trong quá trình tuyển chọn lao động đi làm việc tại nước ngoài, các ngành chức năng và các địa phương đã chú ý tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của tỉnh về lao động đi làm việc ở nước ngoài; các thông tin về thị trường lao động, doanh nghiệp được phép hoạt động XKLĐ… Trung tâm Dịch vụ việc làm (trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng tăng cường công tác thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, giúp đưa thông tin về cung lao động đến các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển lao động cũng như giúp người lao động có điều kiện tiếp cận trực tiếp với các nhà tuyển dụng và các công ty XKLĐ. Việc tổ chức định kỳ các phiên giao dịch vào ngày mùng 5 và 20 hàng tháng tại Trung tâm thực sự đã mang lại những kết quả tích cực, giải quyết được rất nhiều việc làm mới cho người lao động. Bên cạnh đó, các phiên giao dịch việc làm lưu động cũng được Trung tâm phối hợp với các địa phương triển khai một cách sâu rộng và hiệu quả.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, trong năm, đã thực hiện đào tạo nghề nghiệp cho 9.326 người, đạt 109,72%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,8%; toàn tỉnh đã tạo mới việc làm cho 17.174 người, đạt 110,8%; toàn tỉnh đã đưa được 270 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 138% kế hoạch giao (150 chỉ tiêu). Người lao động của tỉnh đi XKLĐ phần lớn ở những nước có mức thu nhập khá cao, có điều kiện và môi trường làm việc hiện đại, an toàn chủ yếu ở các thị trường như: Nhật Bản, Ả Rập Xê-út, ngoài ra còn có các thị trường khác như Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia… Nổi bật trong các địa phương có số lượng người tham gia hoạt động XKLĐ nhiều nhất phải kể đến như các huyện Bác Ái, Ninh Phước và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Năm 2020, toàn ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Thuận sẽ bám sát các nội dung, triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội. Trong đó, chú trọng dạy nghề, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là tạo việc làm cho thanh niên; giữ vững và tăng thị phần ở các thị trường XKLĐ. Mục tiêu của tỉnh Ninh Thuận đề ra là tạo việc làm mới cho 15.500 người, trong đó, số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 150 người; tuyển mới dạy nghề 9.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,16%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn mới, riêng huyện nghèo Bác Ái giảm 4% trở lên.

Trần Huyền