Xã hội
Tăng tuổi hưu
09:09 AM 22/05/2019
Trong những cuộc khảo sát ở một số tỉnh, thành những năm gần đây về lao động, tôi tới nhiều cơ sở sản xuất hàng truyền thống hoặc làm nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng. Chúng tôi thấy nhiều lao động cao tuổi, thậm chí có những người gần 80 với kinh nghiệm, kỹ năng cao vẫn làm việc hăng say cùng các lao động trẻ, khỏe.
Nhiều người cao tuổi còn nhanh nhạy đi đầu, chuyển đổi mô hình nông nghiệp, chăn nuôi gia cầm, kết hợp các hình thức khác để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đang gia tăng của các thành phố lớn. Khi có nhiều đơn đặt hàng, một số cụ phải huy động con cháu hoặc thuê thêm lao động ngoài.
Dù thế nào thì người cao tuổi vẫn thích làm việc hơn vì họ bảo "ngồi một chỗ rất chán, chúng tôi muốn làm việc đến khi không còn sức mới thôi". Và các cụ lao động không phải chỉ vì tiền, "cải thiện thu nhập chỉ là một phần vì con cháu cũng hỗ trợ đủ, nhưng làm để lúc nào cũng thấy mình không bị thừa". Ở một số câu lạc bộ liên thế hệ của xã, các ông bà còn vui mừng vì được  truyền thụ kỹ năng cho lao động trẻ trong các công việc họ đã thành nghệ nhân.
Khảo sát lao động, việc làm hàng năm cho thấy gần 50% người cao tuổi tại Việt Nam vẫn tìm việc tự thân, qua người quen, con cháu nếu muốn đi làm chứ chưa thể tới các trung tâm giới thiệu việc làm. Đặc biệt, với những người hoạt động trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, việc tiếp tục lao động sau khi nghỉ hưu ngày càng phổ biến bởi nhu cầu thị trường và động cơ tăng thu nhập.
Điều này có nghĩa là nếu kinh tế tăng trưởng tốt, tạo nhiều việc làm thì cả lao động cao tuổi và trẻ tuổi đều có thêm cơ hội việc làm và đều hài lòng. Nhà nước cũng có lợi. Đây là một cơ sở để đề án tăng tuổi nghỉ hưu với lao động Việt Nam trở nên khả thi.
Việc nâng tuổi hưu không khiến cho người già lấy mất việc làm của lao động trẻ như quan niệm của những người theo học thuyết "tổng số việc làm không đổi". Nhiều nước trước khi thay đổi tuổi hưu như Mỹ (dự kiến tăng từ 66 lên 67 tuổi vào năm 2022), Đức (từ 65 lên 67 tuổi vào năm 2030), Hà Lan (từ 65 lên 67 tuổi trong giai đoạn 2020-2025) đã chứng minh lý thuyết này không đúng. 
Trong bối cảnh Việt Nam với dân số đang ở "cơ cấu vàng" - tức tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tăng lên - cùng với dân số đang già đi thì điều quan trọng nhất là đảm bảo tăng trưởng bền vững vì như thế mới tạo được việc làm cho cả người già và người trẻ. Nếu không có tăng trưởng, cả hai thế hệ lao động này đều không đủ việc để làm.
Bên cạnh đó, nhà nước còn hai lý do khác để đề xuất tăng tuổi hưu. Thứ nhất, tuổi hưu chính thức theo luật định hiện nay ngày càng thấp so với tuổi có thể làm việc của con người. Một lý do căn bản là sức khỏe của thế hệ già sau tốt hơn thế hệ già trước đó. Khả năng lao động được cải thiện. Tại Việt Nam hiện nay, có tới gần 46% người đang ở lứa tuổi 60 đến 64; gần 30% người ở độ tuổi 70 đến 79 và khoảng 10% người đang ở độ tuổi từ 80 trở lên. Họ đều vẫn đang làm việc. Chính vì vậy, việc không thu hút họ tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế vô hình trung sẽ làm lãng phí nguồn lực và "phi chính thức hóa" các hoạt động kinh tế.
Thứ hai, tăng tuổi hưu trí quốc gia giúp cân đối thời gian đóng góp - hưởng lợi cho hệ thống hưu trí. Đặc biệt là hệ thống thực thanh thực chi với mức hưởng được xác định trước: là hệ thống mà người lao động đóng góp khi làm việc và số tiền họ đóng góp được dùng chi trả cho người đang hưởng hưu, rồi sau này khi họ về hưu, lương hưu họ nhận sẽ từ đóng góp của thế hệ người lao động trong tương lai. Hệ thống này đòi hỏi thế hệ sau càng phải đóng góp nhiều hơn để duy trì cân bằng nếu vẫn giữ nguyên cách đóng-hưởng như hiện nay.
Vậy nên, để công bằng giữa các thế hệ tham gia và trong cùng thế hệ thì việc nâng tuổi hưu theo lộ trình là cần thiết để đảm bảo cân đối thời gian làm việc (đóng góp) với thời gian hưởng (sau khi nghỉ hưu). Ở đây, tăng tuổi hưu không có nghĩa chỉ để chống vỡ quỹ hưu trí. Quỹ này dù vẫn cần được tăng cường hiệu quả quản trị, đầu tư, nhưng vẫn còn dư do nguồn thu lớn hơn nguồn chi.
Vậy người lao động được gì? Đầu tiên, nếu sức khỏe tốt và duy trì được công việc, họ có thể tiếp tục đi làm với mức thu nhập được điều chỉnh tăng. Với thời gian đóng góp dài hơn, tỷ lệ hưởng lương hưu của họ cũng sẽ tăng lên và điều này đảm bảo cho họ an sinh thu nhập tốt hơn sau nghỉ hưu. Ngược lại, nếu phải tiếp tục làm việc khi sức khỏe không đảm bảo, môi trường tác động tiêu cực tới sức khỏe hoặc do cân nhắc công việc khác thay thế (như trách nhiệm chăm sóc gia đình), người lao động có thể bị giảm năng suất. Đây chính là lý do vì sao việc điều chỉnh tăng tuổi hưu được thực hiện theo lộ trình và cần cân nhắc thêm các yếu tố liên quan.
Chính sách nâng tuổi nghỉ hưu không thể đứng một mình. Để trả lời được mọi câu hỏi của người dân liên quan đến chính sách này đòi hỏi phải có các công cụ bổ trợ.
Trước hết, người lao động cần biết nhiều hơn những bằng chứng thuyết phục và cụ thể cho đề xuất này. Thứ hai, cơ quan tham vấn cho chính phủ phải đánh giá sâu sắc các tác động về sức khỏe, về nhu cầu lao động tới người lao động để họ được tự quyết định tuổi nghỉ hưu của chính mình.
Tiếp đó, việc quan trọng không kém là chính phủ cần có quy hoạch và phát triển để mở rộng thị trường lao động cho người cao tuổi bằng các dịch vụ việc làm, bổ sung các quy định chặt chẽ về việc chống phân biệt tuổi tác với các tổ chức, doanh nghiệp.
Khi tới các địa phương để khảo sát tình hình đời sống người cao tuổi, tôi có dịp nói chuyện với nhiều cô, bác về nhu cầu làm việc. Hầu hết họ đều mong muốn được làm gì đó phù hợp "để đỡ nhàm chán". Thế nhưng, các trung tâm giới thiệu việc làm chỉ môi giới việc cho lao động trẻ vào các khu công nghiệp. Người lớn tuổi, nếu may mắn có việc do ai đó giới thiệu cũng có khi phải trốn chạy, bỏ việc về quê do bị đối xử tệ và không được bảo vệ. Điều đó cho thấy "sàn giao dịch việc làm" dành cho người cao tuổi là một nhu cầu hết sức cần thiết khi các chính sách liên quan tới lao động của người cao tuổi, trong đó có nâng tuổi hưu, được chính phủ thực thi.
Nếu người cao tuổi muốn làm việc mà không thể tìm cơ hội ở đâu, các chính sách vĩ mô coi như thất bại.
Theo Giang Thanh Long/vnexpress