Xã hội
Tăng cường truyền thông về Công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ
09:35 PM 18/10/2019
(LĐXH)-Ngày 18/10/2019, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Tạp chí Gia đình và Trẻ em đã phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo “Truyền thông về công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ”.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, có bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; ông Phùng Quốc Việt, Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em; ông Nguyễn Đại Đồng, Trưởng phòng Chính sách xã hội (Cục Bảo trợ xã hội), đại diện một số cơ quan, đơn vị trong Bộ; đại diện các Trung tâm Công tác xã hội, cơ sở Bảo trợ xã hội, Trường phục hồi chức năng có chăm sóc và trị liệu cho trẻ tự kỷ; cùng đại diện một số bậc phụ huynh có con bị chứng tự kỷ.
Mục tiêu của Hội thảo là nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ; Thúc đẩy công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ thông qua các dịch vụ công tác xã hội; Định hướng truyền thông về chứng tự kỷ và về công tác xã hội với trẻ tự kỷ; Kiến nghị giải phaps nâng cao công tác truyền thông, nâng cao nhận thức chăm sóc, giáo dục và PHCN cho trẻ tự kỷ.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Vấn đề trẻ tự kỷ thời gian qua được các cấp, các ngành và cộng đồng đặc biệt quan tâm. Việc phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ tự kỷ có vai trò đặc biệt quan trọng tới hiệu quả của công tác can thiệp, trị liệu. Tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ LĐTBXH, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ và thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng lên. Thời gian qua, trẻ mắc bệnh tự kỷ đã được can thiệp, điều trị theo nhiều phương pháp khác nhau tại các trung tâm, gia đình như: giáo dục tâm lý, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, tập vận động; thành lập các mô hình can thiệp sớm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc, trợ giúp phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện chưa có một văn bản pháp luật nào công nhận người tự kỷ là người khuyết tật. Số trẻ được chẩn đoán tự kỷ ngày càng tăng, độ tuổi được chẩn đoán ngày càng nhỏ, nhưng số trẻ tự kỷ trong cộng đồng ngày càng gia tăng. Nơi thăm khám và điều trị chỉ có ở các thành phố lớn, còn ở những khu vực vùng sâu, vùng xa hoàn toàn không có. Hiện chưa có nơi nào nhận chăm sóc và nuôi dưỡng người tự kỷ không sống độc lập được khi không có người thân.
Thêm vào đó, các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ hiện đang rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; quy trình chăm sóc và phục hồi chức năng chưa mở, thiếu kỹ năng và phương pháp chăm sóc khoa học. Cơ sở vật chất bị xuống cấp, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng; thiếu giáo viên giáo dục đặc biệt, cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại cộng đồng và trong các cơ sở chăm sóc trẻ tự kỷ còn ít và chưa được đào tạo về công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc trẻ tự kỷ; chưa có các dịch vụ trị liệu tâm lý, dịch vụ công tác xã hội trong chăm sóc và phục hồi chức năng.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao vai trò của công tác truyền thông trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phát hiện sớm, can thiệp sớm và chăm sóc toàn diện đối với trẻ tự kỉ. “Chúng ta cần quan tâm nhận biết sớm, tìm hiểu thông tin, phương pháp can thiệp phù hợp. Các cơ quan báo chí sẽ chia sẻ thông tin của Hội thảo để nhiều người dân biết, tìm hiểu các nguồn tài liệu liên quan. Các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi các ý kiến về thực trạng, những khuyến nghị với cơ quan nhà nước, cơ quan truyền thông để có thể phối hợp, tương tác thực hiện hiệu quả; các khuyến nghị với gia đình trong việc chăm sóc trẻ; khuyến nghị với nhà trường, giáo viên để phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ em tự kỷ”- Thứ trưởng Hà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Bảo trợ xã hội và các cơ quan ban hành chính sách có thể nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí, các cơ sở liên quan để nghiên cứu các chính sách cho nhóm đối tượng trẻ tự kỷ; thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng về phối hợp với Thanh tra Bộ giám sát các cơ sở có chăm sóc trẻ em, quan tâm đến các trường dân tộc nội trú, các cơ sở bảo trợ xã hội có liên quan đến tôn giáo mà chăm sóc trẻ em, triển khai Quyết định số 1438 về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tại cộng đồng. Đối với Tạp chí Gia đình và Trẻ em, tăng cường nghiên cứu, đề xuất cho Bộ về các chính sách, giải pháp truyền thông về công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động hiệu quả hơn nữa.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Đại Đồng, Trưởng phòng Chính sách xã hội (Cục Bảo trợ xã hội) cho biết: Bộ LĐTBXH đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên trình ban hành văn bản quan trọng tới công tác trợ giúp xã hội, trong đó có người khuyết tật, tạo sự chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của người khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng. Sự thay đổi về nhận thức xã hội giúp trẻ tự kỷ tự tin hơn, hòa nhập vào đời sống xã hội ngày càng thuận lợi.
Ông Phạm Đại Đồng - Cục Bảo trợ xã hội nêu thực trạng và những khó khăn trong công tác chăm sóc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật và trẻ tự kỷ
Cùng với đó, mạng lưới có trợ giúp xã hội được phát triển với 418 cơ sở (189 cơ sở công lập và 229 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 67 cơ sở chăm sóc người khuyết tật. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã cung cấp các dịch vụ tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý; phục hồi chức năng, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp; chăm sóc, nuôi dưỡng cho hàng triệu lượt đối tượng đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 15% đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đã xuất hiện các mô hình chăm sóc và PHCN cho trẻ tự kỷ có hiệu quả như: Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An; Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh; Trung tâm PHCN và trợ giúp trẻ tàn tật. Ngoài ra, Bộ LĐTBXH đã hỗ trợ thí điểm mô hình cơ sở phòng và trị liệu RNTT tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa và Đà Nẵng; Trung tâm PHCN và trợ giúp trẻ tàn tật; Bệnh viện chỉnh hình và PHCN Đà Nẵng; Bệnh viện chỉnh hình và PHCN TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm điều dưỡng PHCN tâm thần Việt Trì.
TS. Nguyễn Hiệp Thương - Trường ĐHSP Hà Nội đánh giá cao vai trò quan trọng của công tác xã hội đối với việc chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ
TS. Nguyễn Hiệp Thương, Khoa Công tác Xã hội - Trường ĐHSP Hà Nội đã trình bày tham luận về “Công tác xã hội và vai trò của công tác xã hội trong chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ”, trong đó nhấn mạnh: Tự kỷ không những gây ra khó khăn cho chính người tự kỷ mà còn có tác động, ảnh hưởng rất tiêu cực đến đến gia đình của trẻ tự kỷ. Khi trong gia đình xuất hiện người tự kỷ sẽ có những thay đổi diễn ra trong gia đình họ. Thông thường đây là một cú sốc lớn cho các bậc cha mẹ hoặc với các thành viên của gia đình. Những gia đình có người thân là trẻ tự kỷ thường trải qua những đau đớn và bối rối căng thẳng, khủng hoảng tột cùng bởi họ như đang phải gặp một “tai họa” khủng khiếp. Những bậc cha mẹ và các thành viên trong những gia đình này thường không biết phải làm gì hoặc tìm đến ai khi cần. Và thái độ thương hại hay tội nghiệp của những người thân quen càng làm cho họ đau khổ hơn. Những mâu thuẫn căng thẳng trong gia đình có người tự kỷcó thể xảy ra giữa vợ với chồng, chồng với vợ, giữa bố mẹ với con cái…
TS. Hồ Bất Khuất khẳng định truyền thông đã góp phần làm sáng tỏ và nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về các vấn đề liên quan đến công tác xã hội, hội chứng tự kỷ và tự kỷ ở trẻ em
Theo TS. Hồ Bất Khuất, trong thời đại của chúng ta, truyền thông đóng vai trò then chốt gần như trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Hơn thế nữa, truyền thông luôn soi sáng, làm rõ những vấn đề còn mới mẻ, còn khó hiểu. Hội chứng tự kỷ và tự kỷ ở trẻ em là một vấn đề như vậy. Truyền thông đã làm cho vấn đề này và công tác xã hội trở nên gắn bó với nhau. Cách đây chỉ khoảng trên 10 năm, đại đa số các ông bố, bà mẹ hầu như không biết gì về hội chứng tự kỷ. Còn hiện nay, hầu hết những người trưởng thành trong xã hội đều biết tới hiện tượng một số trẻ phát triển không bình thường, có những biểu hiện của trẻ khuyết tật được hiểu là trẻ tự kỷ. Có được điều này là do báo chí, truyền thông trong những năm gần đây nói nhiều về hội chứng tự kỷ. Với đặc điểm hoạt động báo chí, truyền thông của nước ta (báo chí được liên kết chặt chẽ bởi ngành tuyên giáo), hầu như tất cả các cơ quan báo chí đều vào cuộc, đều phản ánh về hội chứng tự kỷ.
Tuy nhiên, hoạt động truyền thông về trẻ tự kỷ còn gặp một số khó khăn như: Đại đa số nhà báo chưa hiểu biết thấu đáo về hội chứng tự kỷ. Đây là vấn đề rất khó, kể cả đối với các chuyên gia trong lĩnh vực y tế. Trên thực tế, chứng tự kỷ có những biểu hiện khác nhau, mức độ khác nhau làm các bậc cha mẹ, thầy cô giáo khó nhận biết và tỏ ra lúng túng khi con cái, học trò của mình mắc phải. Sự quan tâm về mặt chính sách của Nhà nước về tình trạng trẻ tự kỷ còn chưa rõ ràng, chưa mạnh mẽ. Thậm chí có người cho rằng, trẻ tự kỷ bị bỏ rơi trong các môi trường giáo dục công lập. Đây là vấn đề bức xúc nhưng khá tế nhị, báo chí phát hiện ra vấn đề, đề xuất ý kiến nhưng báo chí không có chức năng đưa ra chính sách. Do vậy, ảnh hưởng của báo chí trong lĩnh vực này hạn chế. Các nhà báo viết về trẻ tự kỷ và nghề “Công tác xã hội” ít có mối liên kết chặt chẽ với nhau, ít giao lưu trao đổi kinh nghiệm. Điều này diễn ra bởi vì những vấn đề này có vẻ như là vấn đề “nóng” đối với những phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ, những sinh viên học nghề “Công tác xã hội” ra trường nhưng nó lại khá “nguội” đối với toàn xã hội.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận xung quanh vấn đề trẻ tự kỷ như: Mô hình chăm sóc, giáo dục, can thiệp, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An; Mạng lưới người tự kỷ Quảng Ninh và hoạt động của Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ Quảng Ninh./.
Hồng Phượng