Xã hội
Tăng cường truyền thông phòng chống đuối nước trẻ em
09:43 AM 16/12/2020
(LĐXH)- Ngày 15/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - TBXH và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam (GHAI) tổ chức Hội thảo “Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước ở trẻ em”.
Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam mỗi năm có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù, trong những năm qua số lượng trẻ em bị đuối nước đã giảm nhưng hiện vẫn cao. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Đuối nước, tai nạn thương tích là vấn đề cấp thiết và thu hút sự quan tâm của nhiều người trên toàn cầu. Đáng lo ngại, hơn 50% số ca tử vong là người dưới 25 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất; 90% sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Khu vực Tây Thái Bình dương có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất, cao gấp 2 lần so với con số trung bình trên toàn cầu.
Quang cảnh hội thảo
Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do đuối nước rất cao, ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác). Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Thị Hà, cho biết: Hội thảo có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã triển khai hơn 30 năm thực hiện công ước Quốc tế quyền trẻ em. Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu 3 “bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi”. Việt Nam đang triển khai xây dựng các chương trình, đề án chuẩn bị thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và 5 năm giai đoạn 2021 -2025. Với các nỗ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm so với giai đoạn trước nhưng vẫn ở mức cao và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Do đó, để giảm thiểu tử vong do đuối nước ở trẻ em đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể sự vào cuộc của cộng đồng.
"Bên cạnh những thành công vẫn còn nhiều thách thức đối với Việt Nam như nhận thức và hiểu biết chung về đuối nước trẻ em còn thấp. Nhiều trường hợp đuối nước trẻ em xảy ra do thiếu kiến thức của người lớn, bản thân trẻ thiếu các kỹ năng an toàn, nhiều trẻ em không biết bơi, mới có 30% trẻ em từ 6 - 14 tuổi biết bơi nhưng không có kỹ năng an toàn trong môi trường nước, sự sao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông suối và tắm biển không có người lớn đi cùng. Môi trường sống tại gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước trẻ em" – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, thông tin.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, việc dạy bơi tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ giáo viên, thiếu bể bơi, nhất là tại các địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa; việc chấp hành luật pháp còn chưa tốt khi tham gia giao thông đường thủy, đi tàu, thuyền, khi xây dựng nhà ở; sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và địa phương cho công tác phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em còn hạn chế.
Tại hội thảo, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - TBXH) trao đổi: Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới đã phê chuẩn công ước Quốc tế quyền trẻ em. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã cam kết và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng ngày càng hoàn thiện.
Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc GHAI chia sẻ: Để giảm thiểu tử vong do đuối nước, cùng với sự cam kết chính trị mạnh mẽ và đầu tư của các quốc gia, các chương trình can thiệp phòng chống thương tích trẻ em đã được triển khai mạnh mẽ và toàn diện trong nhiều năm qua. Các chỉ tiêu về giảm thương tích trẻ em được lồng ghép trong mục tiêu của chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, định hướng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em các cấp, các ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em. Tăng cường tư vấn, hướng dẫn trẻ em kỹ năng an toàn trong môi trường nước, dạy bơi an toàn cho trẻ em. Chỉ đạo 100% số tỉnh thí điểm dạy bơi an toàn và kỹ năng an toàn. Thực hiện tốt các quy định về an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em tại gia đình, cộng đồng, khi tham gia giao thông đường thủy.

P.V