Văn hóa - Thể thao
Tăng cường phối hợp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam
07:39 PM 20/04/2017
(LĐXH) Ngày 20/4, tại chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Tọa đàm phối hợp quảng bá, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng Thích Gia Quang phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Đây là hoạt động ý nghĩa góp phần xây dựng văn hóa Phật giáo Việt Nam mang dấu ấn thời đại mới.
Đến dự Tọa đàm có TS. Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cùng đại diện các ban, ngành, Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa thuộc TƯ GHPGVN.
Tại cuộc Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung: Các vấn đề cơ bản về hệ thống quản lý các đối tượng là di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) của Bộ VHTT&DL và hệ thống quản lý các cơ sở Tự viện của Giáo hội PGVN; Những bất cập trong việc quản lý, sử dụng, bảo tồn, tôn tạo, tổ chức các hoạt động và phát huy giá trị các di tích là cơ sở Phật giáo (xếp hạng, tu bổ, tôn tạo, hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, bảo vệ môi trường...)
Các đại biểu cũng đưa ra những quan điểm cơ bản, phương thức và kế hoạch hành động trong việc phối hợp giữa Giáo hội PGVN và Bộ VHTT&DL trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy các cơ sở và các hoạt động Phật giáo là di sản văn hóa và dự kiến một số nội dung hoạt động cụ thể thí điểm trong năm 2017.
Ông Trần Đình Sơn, Phó Ban Văn hóa TƯ GHPGVN nêu lên thực trạng quản lý các ngôi chùa được công nhận là di sản văn hóa rất khó khăn. Nhiều chùa cần nâng cấp tôn tạo phải trải qua một quy trình phức tạp và kéo dài gây nhiều bất cập trong việc quản lý, bảo tồn các giá trị văn hóa. Cùng với đó là thực trạng mê tín dị đoan, đốt vàng mã hay bán sách tử vi, xem tướng số tại các chùa được công nhận là di sản vẫn diễn ra làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào các giá trị văn hóa tốt đẹp mà đạo Phật vẫn hằng giảng giải.
Trước thực trạng trên, cần phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt cần phối hợp giữa Giáo hội PGVN và Bộ VHTT & DL để khắc phục và tháo gỡ những khó khăn này. Tại buổi tọa đàm, rất nhiều ý kiến của các Hòa thượng, Đại đức đề cập đến vai trò quản lý và những khó khăn, trở ngại của nhà chùa đối với việc quản lý, bảo tồn từng hạng mục công trình được cấp di sản văn hóa Quốc gia. 
Một số đại biểu cho rằng, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam là đồng thời làm tốt việc kế thừa và phát triển di sản nhưng phải tạo được dấu ấn, có tính đặc trưng của thời đại; đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, khả thi và đúng quy định pháp luật của Nhà nước.
Giải đáp về những quy định trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy các cơ sở và các hoạt động Phật giáo là di sản văn hóa, đại diện Cục Di sản văn hóa, Viện Bảo tồn di tích và Thanh tra Bộ VHTT & DL đã nêu ra những nội dung, điều khoản rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của sư trụ trì đối với từng hạng mục công trình và các giá trị văn hóa phi vật thể trong nhà chùa.
Phát biểu tại cuộc Tọa đàm, Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa TT&DL nhấn mạnh vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc quản lý, huy động nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các cơ sở, tự viện khang trang và tích cực bảo tồn những giá trị văn hóa (vật thể và phi vật thể) tại các chùa được công nhận di tích quốc gia.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho rằng cần tuyên dương những sư trụ trì đã có công lớn trong việc xây dựng, tôn tạo các chùa chiền, cơ sở văn hóa Phật giáo qui mô, bề thế, khang trang để có nơi thờ tự trang nghiêm và để lại những công trình có giá trị cho đời. Đó là một sự đóng góp rất lớn cho đất nước, cho xã hội, cho việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Tuy nhiên Thứ trưởng cũng cho biết: “Việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa Phật giáo hiện nay còn nhiều bất cập, thể hiện ở việc nhiều nơi chưa có sự đồng thuận về hiến chương và luật pháp quy định về việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa”.
Cơ sở Phật giáo vừa là di sản vừa là nơi quản lý, sử dụng trực tiếp của các chức sắc thuộc GHPGVN, vừa chịu sự quản lý Nhà nước về di sản văn hóa của Bộ VHTT&DL và về văn hóa cơ sở của các cấp chính quyền địa phương. Vì vậy, cần tăng cường sự phối hợp giữa Hội đồng Trị sự GHPGVN và Bộ VHTT&DL trong việc quản lý, duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị các cơ sở và các hoạt động Phật giáo là di sản văn hóa đảm bảo hiệu quả hơn.
Gợi mở về phương hướng của việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Liên cho rằng: Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở thờ tự bài trí cảnh quan thực sự trang nghiêm, sao cho đình ra đình, chùa ra chùa. Bên cạnh đó cần nghiên cứu để đưa ra mô hình quản lý và qui trình nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa Phật giáo cho phù hợp như phân cấp quản lý các di sản văn hóa Phật giáo cho chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nơi tọa lạc các di sản đó.
Thứ trưởng cũng cho rằng: Nhất thiết phải có hồ sơ quản lý đối với các chùa, các đền, đình để có sự rõ ràng trong việc tôn tạo, phát huy giá trị của những di sản văn hóa Phật giáo./.
Thảo Lan