Xã hội
Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông khắc phục hậu quả bom mìn
04:08 PM 25/06/2017
(LĐXH) - Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có 9.083/11.145 xã/phường/ thị trấn (chiếm 81% tổng số xã) của 63/63 tỉnh/thành bị ô nhiễm bom mìn vật nổ); tương ứng với diện tích ô nhiễm là 67.800 km2, chiếm 20,86% diện tích cả nước. Theo ước tính, để khắc phục hậu quả của BMVN sau chiến tranh, phải mất khoảng thời gian hàng trăm năm, với số kinh phí lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Kể từ khi Chương trình 504 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với sự hỗ trợ tích cực của các Bộ ngành địa phương liên quan, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 đã hết sức nỗ lực, chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo trong triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình 504 đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, do diện tích ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất lớn, tai nạn bom mìn còn xảy ra hàng ngày, nhận thức của nhân dân về phòng tránh bom mìn nhiều nơi còn thấp, nguồn lực đầu tư cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn, nhất là hoạt động rà phá bom mìn còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu.
Công tác khắc phục hậu quả bom mìn ngày càng được Đảng và Nhà nước chú trọng
Cần tiếp tục phải làm gì và làm như thế nào để góp phần thiết thực vào thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình 504 để sớm hoàn thành công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân,  phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và để tôn vinh những tập thể, cá nhân đã có những đóng góp về công sức, tài chính cho thực hiện hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, đồng thời tạo nên sự đồng thuận của cả cộng đồng xã hội, của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, của kiều bào ta ở nước ngoài và nhất là của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tham gia hưởng ứng, hỗ trợ, tài trợ cả về nguồn vốn, kinh nghiệm và trang thiết bị nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình đó cũng chính là nội dung nhiệm vụ của công tác truyền thông.
Có thể nói truyền thông là 1 trong 8 nội dung công tác trong khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, bao gồm các giai đoạn: Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách; Tiến hành điều tra, khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom mìn; Hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ sau chiến tranh; Hoạt động Hỗ trợ nạn nhân bom mìn; Hoạt động Tuyên truyền Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn; Nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ; Nâng cao năng lực khắc phục hậu quả bom mìn( Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện rà phá bom mìn, thiết bị, phương tiện chữa trị và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn); Tăng cường sự hợp tác quốc tế.
Trong Chương trình 504,  Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng chiến lược tuyên truyền hậu quả do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Trong đó, giai đoạn 2010 – 2015 có 2/7 nhiệm vụ là công tác tuyên truyền-giáo dục, bao gồm: Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân tập trung tại các tỉnh bị ô nhiễm nặng và xảy ra nhiều tai nạn bom mìn theo kết quả điều tra sơ bộ được thực hiện năm 2002; Thông tin tuyên truyền về thực trạng và hậu quả do bom mìn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam nhằm vận động chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cá nhân nước ngoài và các tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ, hỗ trợ thực hiện Chương trình.
Riêng giai đoạn 2016 – 2025, tiếp tục tuyên truyền về thực trạng và hậu quả do bom mìn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam nhằm vận động chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các cá nhân nước ngoài và các tổ chức cá nhân trong nước tài trợ, hỗ trợ thực hiện Chương trình. Đồng thời, thực hiện chương trình tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.
Thời gian qua, Bộ LĐTBXH phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đã có nhiều hình thức truyền thông trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh thông qua nhiều hình thức như truyền thông gián tiếp (qua các kênh thông tin đại chúng dưới dạng ấn phẩm (báo, tạp chí); truyền thông quảng bá (truyền thanh, truyền hình); truyền thông điện tử (băng ghi âm và ghi hình, đĩa ghi hình, internet); và những phương tiện trưng bày (panô, bảng hiệu, áp phích). Đối với truyền thông trực tiếp như: Mít tinh, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, triển lãm, trưng bày tranh ảnh, phát tờ rơi, thảo luận nhóm …đối tượng là cán bộ, công chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh phổ thông, người dân nơi bị ô nhiễm bom mìn…
Nội dung của công tác truyền thông tập trung vào các vấn đề như: truyền thông về thực trạng, hậu quả do bom mìn, vật nổ còn sót lại gây ra cho người dân, cộng đồng; những khó khăn cản trở do bom bom mìn tác động đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; Nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc khắc phục hậu quả bom mìn: ban hành các cơ chế, chính sách, các dự án, kế hoạch;  Kết quả các hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ sau chiến tranh; Hệ thống các chính sách  trợ giúp nạn nhân bom mìn, kết quả triển khai các hoạt động hỗ trợ, những mô hình hỗ trợ có hiệu quả; Kỹ năng nhận biết, phòng tránh bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân bom mìn; Vận động các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế tài trợ cho các hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn; Truyền thông về các hoạt động của Hội và Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn… Qua đó, đã giúp cho các đơn vị cũng như toàn thể nhân dân ý thức được những kiến thức cơ bản để nhận biết bom mìn, biện pháp phòng, tránh bom mìn mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhằm tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, trong thời gian tới, cần tập xây dựng một chiến lược truyền thông về khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam: Giai đoạn từ nay đến 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó nêu rõ bối cảnh, quan điểm, mục tiệu, nhiệm vụ, giải pháp, các đề án thực hiện chiến lược, tổ chức thực hiện ở trung ương, ở địa phương, phân công trách nhiệm cụ thể. Biên soạn bộ tài liệu làm cẩm nang cho cán bộ làm công tác truyền thông phòng, chống bom mìn; Tăng nguồn lực đầu tư cho công tác truyền thông, có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác này; Hình thành nhóm cán bộ chuyên trách và huấn luyện đội ngũ cộng tác viên truyền thông ở các địa phương.
Ngoài ra, cần xây dựng, triển khai thực hiện dự án tuyên truyền giáo dục phòng, tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân tại các tỉnh bị ô nhiễm nặng: Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang. Đồng thời, xây dựng Quy chế tôn vinh các nhà tài trợ, gắn với các sự kiện truyền thông./.
Lưu Hồng Sơn