Xã hội
Tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội hướng đến quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam
04:04 PM 26/04/2018
(LĐXH) - Sáng ngày 26/04/2018, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (PAO) tổ chức Hội thảo tham vấn “Tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội hướng đến quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam”.
Các đại biểu chủ trì hội thảo
Tham dự có ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; bà Phạm Thị Thanh Hằng, Chuyên gia kỹ thuật tổ chức FAO; ông Minoru Ogasawara, Cố vấn trưởng tổ chức ILO, cùng đại diện một số bộ, ngành, tổ chức quốc tế và địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai hỏa hoạn, biến đổi khí hậu. Theo thống kê, hàng năm thiên tai hỏa hoạn, mất mùa đã làm trên 1 triệu hộ gia đình thiếu đói cần được hỗ trợ vào các dịp giáp hạt (tháng 3-4) và dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, còn hàng trăm nghìn hộ gia đình chịu ảnh hưởng mất nhà cửa, có người chết, người bị thương, mất phương tiện sản xuất…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Để giúp người dân có thể ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phòng, chống thiên tai như Luật Phòng, chống thiên tai năm năm 2013 quy định về công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với đó là các chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp, phát triển nông thôn, quy định các chính sách về định mức chi hỗ trợ người dân có người bị chết, bị thương, có nhà ở hư hỏng nặng; thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, những quy định xử lý khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Minoru Ogasawara, Cố vấn trưởng tổ chức ILO phát biểu tại hội thảo
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều tiến bộ. Bộ Lao động - TBXH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt công tác trợ giúp khẩn cấp, bảo đảm người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời; hoàn thiện cơ chế, chính sách và phương thức tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp khẩn cấp; mở rộng sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, để hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra, cần kiện toàn chính sách pháp luật trong lĩnh vực này, tăng cường công tác phối hợp liên ngành. Tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế linh hoạt bảo vệ tốt hơn kinh tế hộ gia đình; phát triển mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ người dân, như sửa chữa trường học, hạ tầng đường xá, hỗ trợ nhà ở... Ngoài ra, cũng cần chú trọng đào tạo lực lượng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo cứu trợ toàn diện về các mặt y tế, giáo dục, nông nghiệp... Xây dựng, thí điểm và nhân rộng mô hình "Quỹ dự phòng trợ giúp khẩn cấp"  tại cấp huyện và cấp tỉnh theo hướng tăng cường phân cấp, linh hoạt và kịp thời, thúc đẩy phát triển các định chế tài chính vi mô thực hiện trợ giúp khẩn cấp trên cơ sở dựa vào cộng đồng. Có cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, gia đình, cộng đồng, tổ chức kinh tế, tổ chức phi chính phủ tham gia TGXH khẩn cấp; Gắn trợ giúp khẩn cấp với các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia hoặc các chương trình quốc gia (phát triển nông thôn mới, việc làm, giảm nghèo bền vững, phòng và giảm tác hại của biến đổi khí hậu), với phát triển các hình thức bảo hiểm (bảo hiểm sản xuất, bảo hiểm tài sản, con người) ở các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lụt, tác động của biến đổi khí hậu có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, nhóm chuyên gia chia sẻ báo cáo kết quả nghiên cứu công tác trợ giúp xã hội đột xuất tại địa bàn 3 tỉnh (Lào Cai, Nghệ An, Cà Mau), trong thời gian thực hiện từ 31/3-13/4/2018. Đối tượng phỏng vấn là các cán bộ liên quan đến công tác phòng, chống rủi ro thiên tai, bảo trợ xã hội và từ thiện nhân đạo các cấp, người dân là đối tượng trợ giúp xã hội và không phải đối tượng trợ giúp xã hội. Theo nghiên cứu, hầu hết đối tượng đều cho rằng, hỗ trợ cho người dân khi gặp rủi ro thiên tai chỉ mang tính tạm thời, thiếu tính bền vững. Mặc dù Nhà nước đã hỗ trợ xây dựng những khu tái định cư nhưng những khu này không giúp được người dân về việc làm, thu nhập sau khi di dời mà chỉ là nơi ở. Thêm nữa, việc tổng hợp thông tin về thiệt hại còn chưa kịp thời và thiếu chính xác, nguồn lực hỗ trợ hạn chế, phần lớn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Mức hỗ trợ thấp, không đảm bảo đáp ứng với hậu quả của thiên tai. Các tiêu chí để xác định đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Nghị định 136/NĐ-CP thiếu tính định lượng. Thủ tục hành chính còn rườm rà, dẫn đến giảm tính kịp thời.

Chuyên gia quốc tế - Tổ chức Lao động quốc tế, bà Georgia Rowe chia sẻ kết quả nghiên cứu

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cho công tác hỗ trợ ứng phó, cứu hộ còn thiếu, công tác phối hợp giữa các đơn vị còn bị động; còn sự trùng lặp của hệ thống trợ giúp, thường dồn vào các đối tượng, địa bàn bị thiệt hại nặng...
Các đại biểu tham dự hội thảo
Nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị, ưu tiên như tăng cường sự phối hợp giữa Cục Bảo trợ xã hội và một số đơn vị; nâng cao nhận thức và cam kết của Chính phủ về vai trò quan trọng của trợ giúp xã hội thường xuyên và khẩn cấp trong bảo vệ, thúc đẩy các thành quả kinh tế; Cải cách trợ giúp xã hội hướng đến đáp ứng các cú sốc và thông tin rủi ro; Tăng cường hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội...
Hồng Phượng