Lao động
Tăng cường công tác Giáo dục nghề nghiệp ở Kiên Giang
10:15 AM 23/08/2019
(LĐXH) - Năm 2018 các cơ sở GDNN ở Kiên Giang tuyển sinh là 26.381/25.000 người, đạt 105,5% so với kế hoạch, trong đó: Trình độ cao đẳng 2.809, trung cấp 2.931, sơ cấp 10.982 và thường xuyên là 9.659 người. Số học sinh, sinh viên tốt nghiệp 22.711 người (Cao đẳng 583, trung cấp 1.487, sơ cấp 11.625, thường xuyên 9.016 người), tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 48%.
Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang khai giảng năm học 2018-2019
Về đào tạo nghề cho LĐNT và đào tạo theo kế hoạch 106/KH-UBND trong năm đã quy động 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia tuyển sinh đào tạo cho 8.294 người (đào tạo nghề LĐNT 6.501 người, đào tạo theo kế hoạch 106/KH-UBND 1.793 người), trong đó đối tượng thuộc diện ưu tiên 3.374 người, đào tạo theo đơn đặt hàng doanh nghiệp 1.140 người. Tỷ lệ có việc làm mới hoặc làm công việc cũ nhưng thu nhập cao hơn đạt 80 %...
Công tác đào tạo và quản lý GDNN từng bước ổn định, đi vào chiều sâu. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến công tác đào tạo cho lao động đang làm việc và tuyển chọn lao động qua đào tạo vào làm việc; công tác giải quyết việc làm sau đào tạo đã từng bước khởi sắc. Người dân từng bước ý thức với việc học nghề - lập nghiệp và tâm lý trọng khoa cử không còn đặc nặng như trước; đầu tư cho GDNN từ ngân sách nhà nước tăng, nhiều trường đã đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo, tăng hiệu quả uy tín và thương hiệu đối với đơn vị sử dụng lao động. Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, đặc biệt là việc lồng ghép kế hoạch đào tạo cho lao động tại các khu, cụm công nghiệp và khu du lịch đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề tại khu công nghiệp Thạnh Lộc (huyện Châu Thành), cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam (huyện Gò Quao), cảng cá Tắc Cậu, các khu resort, nhà hàng, khách sạn; nuôi trồng và chế biến thủy sản huyện Phú Quốc, thành phố Hà Tiên, huyện Kiên Lương… các tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI đã từng bước đặt hàng đào tạo với các cơ sở GDNN trong tỉnh; nhất là việc thành lập trường Trung cấp Việt – Hàn Phú Quốc đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động có trình độ và kỹ năng hiện nay tại Phú Quốc.
Trong công tác chuyên môn, thông qua Hội thi tay nghề học sinh, sinh viên và Hội giảng nhà giáo GDNN  cấp tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chọn cử 04 học sinh, sinh viên tham dự Hội thi tay nghề cấp Quốc gia và 04 nhà giáo tham dự Hội giảng nhà giáo GDNN cấp toàn quốc tại; kết quả đã có 01 nhà giáo đạt giải ba và 03 nhà giáo đạt giải khuyến khích. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp và tăng cường công tác tư vấn tuyển sinh, đối thoại giữa các cơ sở GDNN với học sinh và phụ huynh học sinh. Thông các cuộc đối thoại trực tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng… đã chủ động tư vấn tuyển sinh trực tiếp cho học sinh. Ngoài ra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm và tư vấn tuyển sinh trực tiếp tại các địa phương nhằm giúp học sinh sớm tiếp cận và định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.    
Tiếp đó, Sở lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch 20 nghề trọng điểm (05 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, 05 nghề trọng điểm cấp độ Asean, 10 trọng điểm cấp độ quốc gia) và 04 Trường đề nghị được bố trí kinh phí đầu tư theo Quyết định số 1600 của Thủ tướng Chính phủ đồng thời chỉ đạo các cơ sở GDNN tập trung rà soát, bổ sung các ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu học nghề của xã hội, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề đạt hiệu quả, song song với việc phối hợp đào tạo theo nhu cầu và đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng hóa, ổn định thị trường, tăng thu nhập và đưa học sinh, sinh viên năm cuối thực tập tại doanh nghiệp, nhằm tăng cơ hội việc làm. Chỉ tính riêng năm 2018, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 03 cuộc đối thoại trực tiếp cho trên 100 doanh nghiệp tại thành phố Rạch Giá, Châu Thành, Kiên Lương, Giang Thành và Phú Quốc để triển khai một số nội dung về quyền lợi và trách nhiệm, cung cấp thông tin thị trường lao động, tuyển dụng và đào tạo lao động, thực tập của học sinh, sinh viên, nghiên cứu khoa học...
Chỉ đạo các cơ sở GDNN phối hợp với các phòng Giáo dục và Đào tạo, các Trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn để phổ biến và tuyên truyền Luật Giáo dục nghề nghiệp, các Nghị định, văn bản có liên quan về cơ chế, chính sách phân luồng nhằm tổ chức tốt đợt tuyển sinh và đảm bảo đạt chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm đã được UBND tỉnh giao. Đặc biệt là Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Phối hợp với Trường Đại học sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề quốc gia bậc 3 cho 44 nhà giáo thuộc 3 ngành, nghề gồm: Công nghệ Ô tô, Công nghệ thông tin và Điện công nghiệp.
NHB