Xã hội
Tăng cường các giải pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm
01:43 PM 18/08/2019
(LĐXH) – Để ngăn ngừa phát sinh tệ nạn mại dâm trong thời gian tới, các cơ quan, ban ngành trung ương và các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội. Trong đó, chú trọng đến các nội dung; hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực và xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bán dâm ở cộng đồng.
Theo rà soát của các ngành chức năng, toàn quốc hiện có 108.453 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, trong đó: 50.309 cơ sở lưu trú, 19.907 nhà hàng, karaoke và mát xa, 600 vũ trường và các loại hình khác (quán bia, cắt tóc, gội đầu, quán café….). Cả nước còn khoảng 922 tụ điểm, địa bàn trọng điểm về tệ nạn mại dâm, điển hình như TP Hồ Chí Minh (17 tụ điểm), Nghệ An (09 tụ điểm), Hà Tĩnh (08 tụ điểm), Hà Nội (03 tụ điểm), Bắc Ninh (06 tụ điểm), Hải Phòng (địa bàn quận Đồ Sơn, thị trấn Cát Bà, Thiên Lôi), ….. Số người bán dâm (số thống kê ước tính của Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố) hiện có là 11.639 người. Tuy nhiên, số thực tế có thể lớn hơn gấp nhiều lần do đặc điểm xã hội, tính di biến động cao nên rất khó khăn trong việc nắm bắt, thống kê. Hiện nay, các tụ điểm hoạt động mại dâm vẫn còn phức tạp, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các khu du lịch, khu công nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Thị Hà chỉ đạo về các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm nói riêng
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức 491 cuộc truy quét, triệt phá  tại địa điểm công cộng và 359 cuộc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, với 1.391 người vi phạm (611 người bán dâm, 551 người mua dâm; 225 người là chủ chứa, môi giới; 04 người bán dâm dưới 18 tuổi). Xử lý vi phạm hành chính liên quan đến mại dâm 1.095 người (có 548 người bán dâm; 503 người mua dâm và 41 chủ chứa, môi giới), tăng 541 người, tương đương 97,6% so với cùng kì năm 2018. Xử lý hình sự 185 đối tượng chứa và môi giới mại dâm.
Nhằm tăng cường công tác phòng ngừa mại dâm trên địa bàn, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động ký cam kết thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Số cơ sở đã ký cam kết không để xảy ra tệ nạn mại dâm tại cơ sở là 49.647 cơ sở (đạt 54,5%).
Đội kiểm tra liên ngành 178/CP các cấp đã tiến hành kiểm tra 11.196 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ (tăng 5.358 lượt cơ sở, tương đương 91,7% so với cùng kì năm 2018), phát hiện 1.281 cơ sở vi phạm. Xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 958 cơ sở; phạt tiền 225 cơ sở với số tiền phạt 3 tỷ 349 triệu đồng; 17 cơ sở bị đình chỉ kinh doanh; 81 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung. Các tỉnh, thành phố đã tiến hành nhiều cuộc rà soát, thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: TP Hồ Chí Minh (3.470 lượt cơ sở), Hải Phòng (735 lượt), Hà Tĩnh (169 lượt)…
Hoạt động xây dựng thí điểm, duy trì các mô hình phòng, chống mại dâm được tiếp tục triển khai ở 19 địa phương với 3.520 người bán dâm và người có nguy cơ cao (tăng 2.414 người so với cùng kỳ năm 2018) được tiếp cận các hoạt động can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, hỗ trợ giúp đỡ hòa nhập cộng đồng. Trong đó, số được hỗ trợ giáo dục, dạy nghề là 32 người; được tư vấn, trợ giúp pháp lý là 293 người, được vay vốn là 11 người với số tiền 200 triệu đồngl số được tạo việc làm là 2 người, được hỗ trợ y tế là 3.015 người; được cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiêm HIV là 160 người.
Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của mại dâm đối với người dân ở địa bàn dân cư
Đặc biệt hoạt động thí điểm mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tiếp cận với các dịch vụ xã hội theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 -2020 đã được triển khai ở 41 địa bàn cơ sở, bao gồm: 06 địa bàn triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; 33 địa bàn thực hiện mô hình đảm bảo quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 11 địa bàn triển khai mô hình tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/tự lực/ câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới. Số lượng thành viên ban chủ nhiệm, các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng tham gia các mô hình thí điểm là 296 người với 3.687 người bán dâm được tiếp cận, tư vấn thông qua các nhóm đồng đẳng, câu lạc bộ.
Để hoàn thành nhiệm vụ công tác phòng, chống mại dâm trong năm 2019, trong 6 tháng cuối năm 2019 các cơ quan, ban ngành trung ương và các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật theo Quyết định 2140/QĐ-TTg ngày 30/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ như: tổ chức các hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí, đưa phóng viên đi thực tế, phối hợp với các báo, tạp chí xây dựng chuyên trang, chuyên đề về các mô hình, điển hình; xây dựng, cấp phát các tài liệu truyền thông về PCTNXH. Trong đó, chú trọng đến các nội dung; hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực và xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bán dâm ở cộng đồng. Tập trung xây dựng, đề xuất dự án Luật Phòng, chống mại dâm báo cáo Chính phủ; tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 và đề xuất các nội dung, giải pháp giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 178/2004/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, Thông tư số 05/2006/TT-BLĐTBXH; xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật đối với dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng và các cơ sở hỗ trợ xã hội; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống mại dâm; đánh giá kết quả, hiệu quả việc thực hiện các chương trình can thiệp, giảm tác hại cho nhóm người bán dâm; hỗ trợ kỹ thuật và tổ chức triển khai các can thiệp thuộc 3 mô hình trên tại 20 tỉnh, thành phố lựa chọn thí điểm; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm ở các địa phương./.
Nhật Minh