Lao động
Tăng cường biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động
09:34 AM 07/03/2022
(LĐXH)- Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022 sẽ được phát động với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.
Ngày 4/3, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương đã ký ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022.
Nhằm thúc đẩy các chương trình hành động, biện pháp cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp, cơ sở, đảm bảo an toàn, duy trì và phát triển sản xuất, thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng chống dịch bệnh, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 được phát động với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 31/5/2022. Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 kết hợp tổ chức Tháng công nhân năm 2022 (dự kiến tổ chức vào sáng 28/4 tại thành phố Hà Nội).

Lễ phát động Tháng công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021

Theo Kế hoạch, trước, trong và sau thời gian tổ chức Lễ phát động, Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương sẽ phân công, tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gặp hoàn cảnh khó khăn; tổ chức một số đoàn đi thực tế thăm, kiểm tra công tác triển khai, hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ, Tháng công nhân, công tác ATVSLĐ tại một số địa phương, tập đoàn, tổng công ty có đông công nhân lao động hoặc có nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương sẽ điều chỉnh quy mô buổi Lễ cho phù hợp thực tế và tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, xây dựng, gửi phát các tài liệu, ấn phẩm mẫu tới các địa phương, doanh nghiệp, người lao động trên nhiều hình thức, phương tiện thông tin đại chúng, internet.
Việc tổ chức sự kiện, hoạt động chuyên đề ATVSLĐ năm nay sẽ được đổi mới và tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ cả trực tiếp và trực tuyến tới doanh nghiệp, người lao động; xây dựng, phát hành các thông điệp, cảnh báo, sổ tay, tờ rơi, đĩa CD, DVD hướng dẫn về chủ đề, nội dung triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022; đa dạng hóa nhiều hình thức thông tin, truyền thông phù hợp trên nhiều kênh, phương tiện truyền thông đại chúng như báo, đài, truyền hình, internet, mạng xã hội, hệ thống các đài phát thanh quận, huyện, xã, phường, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ; phòng ngừa TNLĐ, BNN và cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; tăng cường các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình ATVSLĐ trong các phân xưởng, tổ, đội; hướng dẫn, tư vấn cụ thể về kỹ năng, quy trình làm việc an toàn, các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong công tác ATVSLĐ tới doanh nghiệp, người lao động; các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chú trọng thông tin, tư vấn, tập huấn, hướng dẫn, doanh nghiệp, người lao động nhận diện, đánh giá nguy cơ, rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp, cơ sở, tổ, đội, phân xưởng, nhà máy, các công trình xây dựng, giao thông nơi đông người qua lại, các trung tâm thương mại, trường học, khu dân cư về đảm bảo an toàn trong lao động, sản xuất và phòng, chống dịch bệnh COVID-19; chủ động trong công tác phòng ngừa, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tăng cường tổ chức các hoạt động tập huấn, huấn luyện chuyên đề về ATVSLĐ cho nhân viên y tế trong phòng chống dịch.
Tổ chức các hoạt động có sự tham gia phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, người sử dụng lao động, người lao động, an toàn vệ sinh viên như: tọa đàm, đối thoại, hội thi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình điển hình về ATVSLĐ; quan tâm, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với đó, tổ chức các cuộc thanh tra, phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành trong các hoạt động kiểm tra, giám sát ATVSLĐ trong các ngành, nghề có nhiều nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như xây dựng, điện, khai khoáng, hóa chất, cơ khí, làm việc trong không gian hạn chế; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đo kiểm môi trường lao động, công tác huấn luyện về ATVSLĐ.
Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương yêu cầu các địa phương căn cứ vào điều kiện, tình hình kinh tế, xã hội và yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, các địa phương chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2022 phù hợp, hiệu quả, an toàn; phối hợp tổ chức các đoàn liên ngành trong các hoạt động kiểm tra, thăm hỏi các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các công nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở tăng cường xây dựng, triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ; phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc…
Đối với các tập đoàn, tổng công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, trong đó tăng cường các hoạt động phối hợp, lồng ghép trong triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2022, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả. Tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá, kiểm soát các các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; tăng cường xây dựng, triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ; phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng, nghiệp vụ về ATVSLĐ cho người lao động; hướng dẫn người lao động nhận diện, đánh giá và tham gia đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ. Chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình ATVSLĐ; tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Chí Tâm