Lao động
Tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội
09:26 AM 01/08/2022
LĐXH - Xác định nguồn vốn là yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ và người dân địa phương phát triển kinh tế, trong những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Thành uỷ Hà Nội, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách thành phố tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ vậy, hàng trăm lượt hội viên phụ nữ và người dân được vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, thoát nghèo bền vững, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế và an sinh xã hội tại địa phương.

Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội LHPN thành phố với NHCSXH về việc triển khai nguồn vốn để cho hội viên vay vốn thực hiện phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, Hội LHPN thành phố đã chỉ đạo các cấp hội tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, quy định cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách đến các tầng lớp phụ nữ và nhân dân, đặc biệt là Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”; triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên về triển khai, thực hiện quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách… Việc khai thác, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đã được các cấp Hội đẩy mạnh triển khai, tổ chức thực hiện với nhiều mô hình, cách làm tốt, đạt hiệu quả cao. Thông qua hoạt động tín chấp, các cấp Hội đã đổi mới nội dung hoạt động; đội ngũ cán bộ Hội năng động, sáng tạo hơn trong công tác và hoạt động phong trào giúp đỡ chị em phụ nữ thoát nghèo, góp phần khuyến khích hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động do Hội phụ nữ tổ chức. Về cơ bản, những hỗ trợ tín dụng cho phụ nữ ngày càng tăng về lượng và chất. Đặc biệt, tại những địa phương còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, tín dụng chính sách có vị trí quan trọng trong việc góp phần nâng cao vị thế của chị em trong xã hội, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có hội viên phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều chị em có thêm điều kiện mở rộng công việc, tạo thêm thu nhập cho bản thân và gia đình

Đến cuối năm 2021, mặc dù tình hình thành phố có rất nhiều biến động phức tạp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song, dư nợ ủy thác qua Hội LHPN đứng đầu trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, đạt 93.991 tỷ đồng, chiếm 38,41% tổng dư nợ ủy thác, tăng 7.040 tỷ đồng so với cuối năm 2020; nợ quá hạn cũng thấp nhất, chỉ chiếm tỷ lệ 0,19%, nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,36% tổng dư nợ nhận ủy thác. Có 62.852 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) do Hội LHPN quản lý đã góp phần đưa nguồn vốn chính sách đến với 2,4 triệu khách hàng. 99,99% số tổ tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư 6.160 tỷ đồng (tăng 768 tỷ đồng so với năm 2020) cũng phần nào cho thấy hiệu quả của nguồn vốn này khi hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác không chỉ có “của ăn” mà còn có “của để”. Tính riêng tới hết quý I/2022, các cấp Hội đang quản lý các nguồn vốn là 7.304 tỷ 619 triệu đồng cho 151.975 hội viên phụ nữ vay để phát triển kinh tế. Trong đó, tổng dư nợ nguồn vốn Thành hội trực tiếp quản lý là 11 tỷ 608 triệu đồng cho 1.121 người vay, gồm vốn từ quỹ Quốc tế và Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo là 6 tỷ 815 triệu đồng cho 544 hội viên vay; vốn từ Chương trình TCVM hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế cho 404 người vay tại 5 xã, phường là Thanh Xuân Nam (Thanh Xuân); phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng); xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây); phường Mộ Lao, phường Nguyễn Trãi (Hà Đông) với số tiền là 2 tỷ 730 triệu đồng. Cuối cùng là dự án bò sữa tại 3 xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì) cho 173 người vay với dư nợ 2 tỷ 063 triệu đồng. Dư nợ ủy thác của Hội LHPN thành phố với NHCSXH là 6.303 tỷ 883 triệu đồng (chiếm 54,16% tổng dư nợ ủy thác qua các hội đoàn thể thành phố) cho 134.527 hội viên phụ nữ vay tại 3.702 tổ TK&VV, tăng 25 tỷ 115 triệu đồng so với cuối năm 2021.

Để nâng cao chất lượng ủy thác và quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, Hội LHPN Hà Nội đã chủ động giao chỉ tiêu giảm nợ quá hạn đối với 12 quận, huyện là 259 triệu đồng, chỉ đạo các quận, huyện thị xã tăng cường phối hợp với Ban Chỉ đạo thu hồi nợ quá hạn và lãi tồn đọng, thường xuyên rà soát, đôn đốc nợ đến hạn. Vì vậy, trong 3 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ nợ quá hạn giảm là 48 triệu đồng so với cuối năm 2021. Hoạt động tiết kiệm của các thành viên vay vốn thực hiện đảm bảo đúng quy định; có 3.692/3.702 tổ TK&VV được xếp loại tốt và khá.

Ngoài NHCSXH, Hội LHPN Hà Nội phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác để khai thác nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Trong đó, dư nợ ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 848 tỷ 549 triệu đồng cho 9.868 thành viên vay; với Ngân hàng TMCP Bản Việt chi nhánh Thăng Long trên địa bàn 12 quận nội thành và 2 huyện Gia Lâm, Thanh Trì là 2 tỷ 955 triệu đồng cho 302 thành viên vay tại 21 xã, phường (không có nợ quá hạn). Với tổ chức Tài chính vi mô Tình thương (TYM) thành phố, Hội LHPN Hà Nội tiếp tục triển khai nguồn vốn với dư nợ 138 tỷ 551 triệu đồng (tăng 7,829 tỷ so với cuối năm 2021) cho 6.157 hội viên tại 49 xã của 5 quận, huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Hà Đông (không có nợ quá hạn).

Ghi nhận những kết quả đạt được trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội đánh giá cao những nỗ lực của các cấp hội, tạo điều kiện để hội viên có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, qua đó hỗ trợ hội viên nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là góp phần đảm bảo an sinh xã hội, khẳng định vai trò, vị thế của Hội và là giải pháp quan trọng để tập hợp thu hút hội viên đến với tổ chức Hội. Phó Chủ tịch Hội đã đề nghị các cấp hội tập trung tuyên truyền sâu rộng để hội viên phụ nữ và gia đình tiếp cận các chương trình tín dụng góp phần mở rộng đối tượng vay vốn. Hiện nay, các ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình vay vốn khác nhau, mỗi chương trình có điều kiện, yêu cầu riêng. Qua đó giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay chính thống, hạn chế tìm đến tín dụng đen. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng, duy trì chế độ thông tin 2 chiều để kịp thời chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Các cấp hội phụ nữ cơ sở cùng với cán bộ ngân hàng sát sao, tiếp cận triển khai hiệu quả công tác chính sách tín dụng, hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển kinh tế

Theo đó, Hội LHPN Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN các quận, huyện, thị xã và cơ sở tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác; phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý vốn uỷ thác, quản lý các nguồn quỹ tới 100% cán bộ Hội chuyên trách thành, quận, huyện, thị xã; tập huấn nghiệp vụ công tác vốn vay cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở và tổ trưởng tổ TK&VV; duy trì giao ban giữa các cấp Hội phụ nữ với NHCSXH. Tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác vay vốn trong các cấp Hội là vấn đề quan trọng trong thời gian tới. Trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở xã, phường, thị trấn có dư nợ lớn, lãi tồn đọng, xử lý nợ đến hạn chưa kịp thời, còn phát sinh nợ quá hạn; chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và cơ sở phối hợp với ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác thực hiện rà soát các trường hợp vay vốn đến hạn trả nợ ngân hàng, các dư nợ quá hạn từ nguồn vốn vay ưu đãi khác để có biện pháp thu gốc, lãi đúng hạn.

Cùng với đó, để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, Hội LHPN thành phố kiến nghị NHCSXH tăng nguồn vốn vay chương trình giải quyết việc làm và nâng mức vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường; có giải pháp giải quyết dứt điểm đối với những trường hợp xử lý nợ rủi ro khi có đủ điều kiện hồ sơ. Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát các hoạt động vay vốn ở cơ sở Hội; thực hiện trao đổi thông tin 2 chiều để có giải pháp xử lý nợ phát sinh quá hạn. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các nội dung đã được ký kết với NHCSXH, trong đó cần quan tâm hoạt động của tổ TK&VV – “hạt nhân” trong tổ chức hoạt động ủy thác tại cơ sở, tập trung rà soát đội ngũ cán bộ để kịp thời củng cố kiện toàn, có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận; có biện pháp để vận động tổ viên ở tổ TK&VV nâng mức tiết kiệm trên 50.000đồng/hộ/tháng…; các cấp Hội dành thời gian thỏa đáng cho công tác kiểm tra, giám sát; kiểm tra thường xuyên, theo chỉ tiêu để quản lý tốt nguồn vốn, kịp thời chấn chỉnh vấn đề phát sinh (nếu có); bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ủy thác tại quận, huyện cơ sở.

Nguyễn Đăng Doanh