Xã hội
Tân Phú Đông chú trọng thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững
03:37 PM 28/11/2018
(LĐXH) Do địa hình huyện cù lao, với 6 xã thuộc vùng bãi ngang ven biển, cho nên Tân Phú Đông là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất so với các nơi trong tỉnh. Bởi vậy, công tác giảm nghèo tại đây luôn được các ngành, các cấp chính quyền chú ý và thực hiện sát sao để đảm bảo bà con có một cuộc sống ấm no hơn.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) còn 3.568 hộ nghèo theo chuẩn mới, chiếm tỷ lệ 31,3% và 458 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4%. Trước tình hình đó, Huyện ủy Tân Phú Đông đã ban hành Chương trình hành động số 35 "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn từ nay đến năm 2020".
Theo đó, UBND huyện cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 35 của Huyện ủy nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt... Qua đây, huyện đã đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu cụ thể như: Kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 31,1% hiện tại xuống còn 19% vào năm 2020, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi theo nhu cầu phát triển sản xuất, nâng cao mức sống gia đình; có 100% học sinh, sinh viên thuộc diện gia đình nghèo được hưởng các chính sách miễn giảm học phí; 100% hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ và 100% cán bộ, công chức cấp xã, trưởng các ấp và cán bộ các đoàn thể được tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, dự án phát triển cộng đồng...
Dạy nghề tạo việc làm cho lao động nghèo xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông.
Huyện ủy, UBND huyện xác định công tác giảm nghèo bền vững là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cần phát huy nguồn lực tại chỗ, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người nghèo. Để thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể huyện và cơ sở đối với công tác giảm nghèo bền vững, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, địa phương và của cả cộng đồng cho công tác giảm nghèo. Gắn việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo ở huyện thông qua các nhóm chính sách như hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội gắn với tiêu chí giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch việc thụ hưởng dịch vụ công, phúc lợi xã hội, thu nhập của người dân trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, huyện còn chú trọng việc đa dạng hóa các nguồn vốn cũng như quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn giảm nghèo, lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Chú trọng thực hiện xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vững. Qua đây, phát huy vai trò của Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể trong việc vận động các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia đóng góp "Quỹ vì người nghèo" và các nguồn quỹ an sinh xã hội khác. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác giảm nghèo bền vững, phân bổ các nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bảo đảm công khai, minh bạch, mức đầu tư hỗ trợ đạt hiệu quả nhanh, không dàn trải.
Trong nửa nhiệm kỳ Đảng bộ 2015 - 2020, huyện đã vận động xây dựng 119 căn nhà tặng hộ nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở, tổ chức 15 lớp dạy nghề, đào tạo nghề cho gần 400 lao động, giải quyết việc làm cho hơn 2.800 lao động, đưa 15 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Qua thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 1.300 hộ được giúp đỡ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm là 4%.
Ngoài ra, huyện còn khuyến khích, mở rộng các hoạt động, tạo việc làm cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các tầng lớp nhân dân thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả. Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong huyện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn từ nay đến năm 2020. Trong đó, yếu tố quyết định chính là sự quan tâm lãnh, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân, nhằm góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện so với các địa phương trong tỉnh.
Hiện nay, huyện Tân Phú Đông đang tiến hành rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, đánh giá công tác giảm nghèo bền vững trong năm 2018 rút kinh nghiệm để triển khai hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo ổn định hơn.
PV.