Xã hội
Tấm gương thoát nghèo của chàng trai dân tộc Phù Y ở huyện 30a Quản Bạ
02:59 PM 12/12/2019
(LĐXH)- Quản Bạ là một trong 7 huyện nghèo của Hà Giang được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Cùng với chủ trương, đường lối, chính sách kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của doanh nghiệp, nhiều hộ nghèo trên địa bàn đã được tiếp thêm nguồn lực để vươn lên cải thiện cuộc sống…
Huyện Quản Bạ có 12 xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, năm 2018 có 39,53% hộ nghèo và 20,46% hộ cận nghèo, thu nhập bình quân 21 triệu đồng/người/năm.
Trong thời gian qua, Quản Bạ đã và đang triển khai có hiệu quả các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, Chương trình 30a/CP của Chính phủ, giai đoạn 2017 – 2020, huyện đã hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề với kinh phí thực hiện là 4.336,63 triệu đồng. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về địa hình, giao thông, nguồn kinh phí thấp, nhưng huyện đã luôn tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình; công tác rà soát, bình xét đúng đối tượng và có kết quả cụ thể...
Xác định mục đích chính trị trên địa bàn, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông (Agribank) Quản Bạ đã khắc phục khó khăn, cố gắng tiếp cận các nguồn khách hàng tiềm năng để trở thành một trong số những chi nhánh thực hiện tốt việc phát triển các dịch vụ Agribank, nhất là cho vay những gói tín dụng ưu đãi đến bà con dân tộc thiểu số.
Chị Lệnh Thị Ngọc Huệ, cán bộ Agribank Quản Bạ, cho biết: Là huyện 30a, địa hình đồi núi phức tạp, do vậy, cán bộ của chi nhánh không thể đến từng xã để tư vấn cho khách hàng. Tuy nhiên, thuận lợi là người dân tin tưởng vào uy tín của ngân hàng nên thường xuyên tới trụ sở giao dịch. Qua đó, chúng tôi chủ động tư vấn cho khách hàng về các dịch vụ, chương trình khuyến mại của Agribank nhằm tăng số lượng người dùng.
Anh Vàng Thống Cáo nhận quà tặng Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của Agribank Quản Bạ
Anh Vàng Thống Cáo (dân tộc Phù Y) ở xã Quyết Tiến là tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu bằng trồng nấm và sản xuất rau với vốn vay khởi nghiệp 200 triệu đồng. Anh Cáo tâm sự, năm 2013, chị Trần Thị Sinh (một người bạn dưới Hà Nội của anh Cáo), khi lên thăm Quản Bạ, thấy nơi đây có điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để cây nấm phát triển nên  thuê 200m2 đất nhà anh để trồng. Sau một thời gian đầu tư nhưng không quản lý được nên mô hình bị bỏ không. Thấy tiếc, anh Cáo tiếp quản và đầu tư phát triển.
Năm 2014, anh cùng vợ cải tạo, mở rộng mô hình trồng với hơn 10.000 bịch nấm, giá trị gần 200 triệu đồng. Vừa làm, anh chị vừa chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm. Sau 2 tháng, cây nấm cho thu hoạch mẻ đầu tiên, tuy tiền lãi không lớn nhưng cũng đủ để anh Cáo quay vòng vốn. Từ nền tảng đó, tháng 9/2014, gia đình anh đưa ra thị trường sản phẩm nấm đóng gói với thương hiệu “Nấm Cáo Tuyên”. Sản phẩm nấm nhà anh từng bước tạo được uy tín trên thị trường.
Đầu năm 2016, anh Cáo tiếp tục đầu tư thêm 300m2 đất xây dựng mô hình trồng nấm có hệ thống phun sương, trồng 14.000 bịch nấm, thị trường được mở rộng ở thành phố Hà Giang và một số huyện vùng thấp.
Một năm trồng nấm cho thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ cho sản lượng 12 tấn nấm, với giá bán 35 - 45 nghìn đồng/kg. Hiện nay, sản phẩm của gia đình anh làm ra không đủ cung cấp cho thị trường địa phương. Nhờ nguồn thu từ nấm, anh Cáo tiếp tục thuê đất, thuê người trồng các loại rau, củ, quả trái vụ cung ứng cho thị trường, mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho mình, anh Vàng Thống Cáo còn sẵn sàng giúp đỡ với những ai cùng chí hướng, từ đó cùng nhau xây dựng thương hiệu rau Quyết Tiến ngày một phát triển. Thoát nghèo và vươn lên làm giàu là chặng đường dài nhưng Vàng Thống Cáo không nản chí. Đó cũng là cái mà bà con vùng cao cần phải có để thành công. “Phải thay đổi tư duy, thoát nghèo vươn lên làm giàu, phải tự mình thực hiện, Nhà nước chỉ hỗ trợ chính sách, chứ không thể làm thay,” anh Cáo chia sẻ. 
Trong thời gian tới, để tiếp tục giúp đỡ hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo trên địa bàn, UBND các xã trong huyện cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách cụ thể để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, sâu sát.Vận động nhân dân thực hiện tốt phương châm “Nhân dân tự làm, nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ”. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ nội lực của người dân, khơi dậy ý chí tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Ngoài ra, Quản Bạ cũng sẽ căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để xác định những nội dung hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của đối tượng; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát để quá trình triển khai chính sách đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra.

Chí Tâm