Lao động
Tác động của Covid-19: Tháo gỡ khó khăn, hạn chế thấp nhất tình trạng thất nghiệp
02:49 PM 28/09/2020
(LĐXH) – Dịch bệnh Covid-19 lây lan tại một số địa phương đã ảnh hưởng đến tình hình lao động, việc làm. Trước tình hình này, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng những kịch bản nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hạn chế thấp nhất tình trạng mất việc làm.
Lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục
Theo báo cáo của Tông cục Thống kê, tính đến hết tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.
Tính đến tháng 9 năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc trong hầu hết các ngành, trong đó một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lớn như: ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí (88,6%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi (79,7%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (72,7%), công nghiệp chế biến chế tạo (70,1%), bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy (68,5%), giáo dục đào tạo (68,5%), hoạt động kinh doanh bất động sản (67,8%).
Khai thác ưu thế kết nối qua mạng xã hội
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương, khiến các hoạt động du lịch, dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng; nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng và cho người lao động nghỉ việc... Cùng với đó, nhu cầu tuyển dụng lao động ở một số địa phương tiếp tục sụt giảm; công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục bị ảnh hưởng.
Người lao động đến tìm việc tại Trung tâm DVVL Hà Nội
Trong bối cảnh đó, nhiều Trung tâm DVVL đã triển khai các giải pháp linh hoạt trong phương thức tiếp cận người lao động, thực hiện các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, tăng cường khai thác những ưu thế của mạng xã hội và điện thoại thông minh nhằm cập nhật thông tin tuyển dụng của các DN lên website, facebook và tư vấn trực tiếp qua ứng dụng zalo, email… Nhờ vậy, 8 tháng qua, cả nước tạo việc làm cho trên 809.300 người, trong đó tạo việc làm trong nước cho 770.000 người và đưa trên 39.300 người đi làm việc ở nước ngoài.
Riêng tại thành phố Hà Nội, một trong những thị trường lao động lớn nhất cũng đang ghi nhận những tín hiệu lạc quan hơn. Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho VnEconomy biết, chỉ tính riêng trong tháng 9 vừa qua, trung tâm đã có hơn 500 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với khoảng 6.000 vị trí việc làm. "Cuối tháng 7 và đầu tháng 8 khi làn sóng dịch thứ 2 bùng phát, nhu cầu tuyền dụng có giảm nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 9, thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, tương tự các tháng trước trung bình mỗi tháng đều có trên dưới 500 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng
Cũng theo ông Thành, thực tế những tháng cuối năm thị trường lao động bắt đầu sôi nổi hơn vì đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho các dịp lễ, Tết Nguyên đán. Do đó, nhu cầu tuyển dụng luôn tăng cao, tuy nhiên thường tập trung nhiều vào việc làm thời vụ, bán thời gian, còn lao động toàn thời gian vẫn cơ bản giữ ở mức ổn định. Dự báo, một số ngành nghề sẽ có nhiều nhu cầu lao động trong thời điểm này tập trung chủ yếu là khối thương mại dịch vụ, giao nhận hàng, thương mại điện tử, logistic và công nghiệp chế biến…
Tại tỉnh Bình Dương, thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho thấy, 8 tháng đầu năm 2020, hơn 13.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Trên 54.000 lao động phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương. Hơn 94.000 lao động phải thực hiện giảm giờ làm việc.
Tại Bình Dương, có hơn 13.000 lao động thất nghiệp trong 8 tháng đầu năm
Về chính sách trợ cấp thôi việc, đa số các doanh nghiệp chỉ đảm bảo thực hiện theo quy định do Bảo hiểm xã hội chi trả. Việc trả thêm cho người lao động 1 tháng lương/mỗi năm thâm niên chỉ có gần 20 doanh nghiệp thực hiện (mỗi doanh nghiệp khoảng 30 lao động). Dự kiến, từ nay đến cuối năm, Sở sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động trong việc kết nối thị trường lao động. Tiếp tục tăng tần suất tổ chức sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm mini, sàn giao dịch việc làm trực tuyến (tư vấn qua các tiện ích trên sàn giao dịch trực tuyến, qua Email, Facebook, Skype, …).
Tiếp tục giới thiệu việc làm thông qua các hình thức tư vấn trực tiếp, qua mạng, điện thoại, tin nhắn. Đặc biệt, Sở sẽ quan tâm việc tư vấn - giới thiệu việc làm cho lực lượng sinh viên mới ra trường thông qua hình thức đến tư vấn - giới thiệu việc làm trực tiếp tại các buổi lễ tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.
Thiện hiệu quả việc tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn hỗ trợ học nghề và giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm. Hỗ trợ lao động bị mất việc làm nhanh chóng ổn định cuộc sống, tìm kiếm việc làm mới. Tiếp tục liên kết, cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương với các tỉnh có lực lượng lao động cần việc thông qua hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh. Triển khai thông tin nhanh để thu hút, đưa người lao động về Bình Dương làm việc đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Lên phương án hỗ trợ doanh nghiệp
Bên cạnh đó, công tác giáo dục nghề nghiệp cũng được đổi mới như tổ chức đào tạo trực tiếp kết hợp với đào tạo trực tuyến. Tổ chức quản lý, theo dõi lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; hướng dẫn các cơ quan liên quan gia hạn giấy phép lao động cho người lao động đang làm việc tại Việt Nam; cấp giấy phép lao động mới cho các chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật là người nước ngoài để thay thế cho những người không được nhập cảnh hoặc không nhập cảnh trở lại Việt Nam.
Tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người lao động
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc các ca nhiễm Covid-19 xuất hiện ở các khu du lịch trọng điểm như: Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM... khiến các hoạt động kinh tế, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, lưu trú, vận tải, logistics bị ảnh hưởng nặng nề. Theo đó, số mất việc làm hàng tháng được dự báo sẽ tăng lên ở mức 75.000 đến 90.000 người; số doanh nghiệp bị ảnh hưởng khoảng 65-70%.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu ở các đơn vị sản xuất, chế biến sẽ ngày càng trầm trọng, trong khi các hoạt động du lịch, ăn uống lưu trú, nghỉ dưỡng sẽ gần như đóng băng. Các hoạt động đầu tư, xây dựng, sản xuất công nghiệp cũng khó có khả năng hồi phục mạnh mẽ...
Do đó, từ nay đến cuối năm, Bộ LĐ-TB&XH tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, tạo thêm nhiều việc làm gắn với nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động. Đặc biệt, chủ động nắm bắt thị trường lao động để có phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, hướng dẫn người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp; ứng dụng CNTT trong kết nối cung-cầu lao động.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, đình công; phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.

Hà Giang