Giáo dục - Nghề nghiệp
Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến quan hệ lao động và chất lượng việc làm trong doanh nghiệp FDI tại Việt Nam
03:29 PM 09/05/2019
(LĐXH) - Sáng ngày 9/5/2019, tại TP.HCM, Trường Đại học LĐ – XH cơ sở II đã tổ chức chương trình Hội thảo Quốc gia “ Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến quan hệ lao động và chất lượng việc làm trong doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện nay”.

TS. Phạm Ngọc Thành -  Giám đốc cơ sở II Đại học Lao động -Xã hội phát biểu tại Hội thảo

Tham dự tại hội thảo có TS. Phạm Ngọc Thành -  Giám đốc cơ sở II, trường Đại học LĐ – XH; PGS.TS Phước Minh Hiệp – Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Tạp chí Cộng Sản khu vực phía nam; PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS. TS Hoàng Thanh Xuân – Trưởng phòng Khoa học, Trường Đại học Công Đoàn; cùng đại diện các thầy cô, các khoa ban, các đại diện doanh nghiệp trên địa bàn…

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phạm Ngọc Thành -  Giám đốc cơ sở II, trường Đại học LĐ – XH cho biết: “  Hội nhập kinh tế quốc tế đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới và trên tất cả các phương diện kinh tế, xã hội và công nghệ. Đến nay Việt Nam đã trở thành thành viên của công đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại tự do giữa Eu và Việt Nam, WTO... Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã dẫn tới sự thay đổi mạnh mẽ của chiến lược phát triển của doanh nghiệp, của mô hình kinh doanh của cơ cấu nguồn nhân lực nhất là đối với các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có hơn 30 năm đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta đó là điều rất đáng trên trọng. Bên cạnh những đóng góp không thế phủ nhận của quan hệ lao động và chất lượng việc làm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang đặt ra những câu hỏi lớn cần được trả lời.

Theo TS. Phạm Ngọc Thành,  để tìm kiếm câu trả lời, những tiêu chí nào giúp nhận ra thực trạng chất lượng việc làm trong khu vực doanh nghiệp và làm thế nào để nâng cao chất lượng việc làm theo những tiêu chí đó; Quan hệ lao động sẽ thay đổi như thế nào và các bên liên quan cần hành động như thế nào thích nghi với những thay đổi đó; Các doanh nghiệp FDI người lao động và chính phủ Việt Nam cần chuẩn bị những gì để bước vào kỷ nguyên công nghệ 4.0. Đó cũng là những mục tiêu quan trọng và xuyên suốt của hội thảo ngày hôm nay..”

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã được lắng nghe TS. Phạm Ngọc Thành, trình bày về báo cáo tham luận “ Đào tạo nguồn nhân lực thời kỳ cách mạng 4.0 – Từ đường lối của Đảng đến việc triển khai thực hiện của Nhà nước”.

Trong đó,  nhiều cơ hội phát triển kinh tế xã hội, nâng cao vị thế trên trường quốc tế được trao cho mỗi quốc gia từ cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng nó cũng đặt ra nhiều thách thức và khó khăn cho họ. Đặc biệt là những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực đang có xu hướng ngày càng cao hơn.

Các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo

Vì vậy, những đề xuất của Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng 4.0 sẽ tập trung vào những việc hoàn thiện hành lang pháp lý; Đầu tư trọng điểm cho cơ sở giáo dục, khả năng hiện đại hóa; Tăng cường truyền thông về giáo dục nghề nghiệp.

Còn theo PGS.TS. Bành Quốc Tuấn – Phó trưởng khoa Luật, trường Đại học công nghệ TP.HCM trình bày về “ Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến các hiệp định tương trợ tư pháp điều chỉnh quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài đến Việt Nam”. Theo đó, sẽ có nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài cần được phải điều chỉnh.

Những vấn đề thuộc về từng quan hệ pháp luật cụ thể như: Quan hệ sở hữu, quan hệ thừa kế, quan hệ hôn nhân và gia đình, quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài là nội dung được điều chỉnh bởi các Hiệp định này. Một trong những nội dung cơ bản liên quan đến quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài là luật áp dụng điều chỉnh.

Chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Nguyên nhân là các HĐTTTP chỉ quy định các nguyên tắc chung đến quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài và đa số các hiệp định được ký kêt thời gian khá lâu nên việc đưa các quy định liên quan đến tác đọng của cuộc cách mạng 4.0 chưa được quan tâm.

Theo ông Tuấn, pháp luật phải hạn chế sự bất bình đẳng trong quan hệ lao động mới; bất bình đẳng giữa lao động có trình độ chuyên môn và lao động không có trình độ chuyên môn; lao động nước ngoài và lao động trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải xây dựng Hiệp định khung về tương trợ tư pháp, tiến hành hệ thống hóa tổ chức rà soát đánh giá rút kinh nghiệm một cách toàn diện công tác ký kết và thực hiện các HĐTTTP mà nhà nước ta đã ký trong thời gian qua…”

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu cũng được lắng nghe một số bài tham luận như: “ Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến quan hệ lao động trong các doanh nghiệp FDI và vai trò của tổ chức công đoàn” của PGS.TS Hoàng Thanh Xuân và ThS Nguyên Hữu Tài. Tham luận “ Vấn đề việc làm của Việt Nam: Thực trạng và giải pháp thích ứng với cuộc cách mạng 4.0” của ThS Nguyễn Đỗ trường Sơn..

Lê Việt