Xã hội
Sự kiện Trao quyền cho trẻ em gái tại Hà Nội
04:13 PM 12/10/2020
(LĐXH) Hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10, ngày 11 tháng 10 năm 2020, tại phố sách 19/12, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, sự kiện Trao quyền cho trẻ em gái #GirlsTakeover, đã diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Chuỗi hoạt động “Trao quyền cho trẻ em gái – Girls Takeover” được thực hiện trên phạm vi toàn cầu chính là nỗ lực của tổ chức Plan International nhằm tạo cơ hội để trẻ em gái được lên tiếng, trở nên tự tin hơn khi nắm giữ những chức vụ quan trọng. Kể từ khi chuỗi hoạt động bắt đầu, hàng trăm trẻ em gái trên toàn thế giới đã được đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo trong mọi lĩnh vực từ truyền thông, giải trí đến kinh tế và chính trị để thể hiện khát khao được bình đẳng.
Năm nay, tổ chức Plan International Việt Nam đồng hành cùng Ehomebooks – Thương hiệu sách giáo dục gia đình trên hành trình thúc đẩy và trao quyền cho trẻ em gái. Em Thùy Dương, 17 tuổi, học sinh trường THPT Vân Nội và em Ý Nhi, 18 tuổi, sinh viên Đại học Luật Hà Nội đã lần lượt được trao quyền bởi Giám đốc Quốc gia tổ chức Plan International Việt Nam – bà Sharon Kane và Tổng biên tập Ehomebooks, ông Trịnh Minh Tuấn. Phương Anh và Ý Nhi đã đưa những góc nhìn mới lạ, sáng tạo của thế hệ trẻ vào kế hoạch của công ty, tổ chức khi các em có cơ hội lên nắm quyền và ra quyết định.
Ông Trịnh Minh Tuấn,Tổng biên tập Ehomebooks trao quyền cho trẻ em gái
Trên cương vị mới là Tổng biên tập, Ý Nhi mong muốn văn hóa đọc sẽ được lan truyền rộng rãi hơn trong cộng đồng thanh thiếu niên Việt Nam. Em cũng nhận định rằng ngoài sách, Internet và mạng xã hội cũng là kênh mà các bạn trẻ hiện nay đang ưu tiên sử dụng để tìm kiếm thông tin, cũng như chia sẻ quan điểm của mình với cộng đồng. Tuy nhiên mạng xã hội cũng có nhiều mặt trái, “tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái đều có nguy cơ bị công kích, chỉ trích và bắt nạt trên mạng xã hội. Từng được coi là nền tảng để chia sẻ suy nghĩ cá nhân, ngày nay nhiều bạn không dám thể hiện bản thân trên Facebook, Instagram nữa bởi lo sợ những lời chê bai, khinh miệt, chỉ trích khắt khe và không hề mang tính xây dựng từ “cộng đồng mạng”, Ý Nhi chia sẻ. Trước vấn đề này, Ý Nhi mong muốn khi trở thành Tổng biên tập của thương hiệu sách Ehomebooks, dưới sự hướng dẫn của các đồng nghiệp, trong vòng 12 tháng tới, em sẽ cùng Ehomebooks xuất bản một tựa sách với chủ đề “An toàn trên mạng cho trẻ em gái”. “Tôi sẽ trực tiếp tham gia vào việc lựa chọn tựa sách, kiểm duyệt và đảm bảo nội dung cho cuốn sách này. Với góc nhìn và ý kiến của một người trẻ đã từng tham gia công tác xã hội, tôi sẽ cố gắng đảm bảo nội dung và hình thức của cuốn sách phù hợp với đối tượng độc giả là trẻ em và thanh thiếu niên”, Ý Nhi tự tin chia sẻ.
Bà Sharon Kane, ông Trịnh Minh Tuấn cùng các em Thùy Dương và Ý Nhi
“Bạn Nhi là một cô gái năng động và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Vì vậy, mà tôi có niềm tin sâu sắc rằng, với hiểu biết và trải nghiệm của bản thân về bình đẳng giới, quyền con người, quyền trẻ em và phát triển môi trường bền vững, bạn Bùi Ý Nhi sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở vị trí Tổng biên tập Ehomebooks. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng bạn Bùi Ý Nhi để xuất bản 01 tựa sách về chủ đề bảo vệ trẻ em gái trên môi trường mạng trong vòng 12 tháng tới”, ông Trịnh Minh Tuấn, Tổng biên tập Ehomebooks bày tỏ sự tin tưởng khi tham gia hoạt động trao quyền cho trẻ em gái tại sự kiện.
Qua việc lắng nghe tiếng nói của thanh thiếu niên trên toàn thế giới, “Đảm bảo an toàn trên mạng cho trẻ em gái” cũng là chủ đề mà Plan International đang hết sức quan tâm. Khảo sát toàn cầu của Plan International thực hiện đã chỉ ra rằng có hơn một nửa (58%) em gái từng bị quấy rối và xâm hại trên mạng. Nghiên cứu cũng cho thấy Facebook là nền tảng có nhiều vụ quấy rối xảy ra nhất, với tỉ lệ bị xâm hại lên tới 39%. Bà Sharon Kane, Giám đốc Quốc gia của tổ chức Plan International Việt Nam chia sẻ: “Nhiều người vẫn chưa nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của việc bắt nạt và quấy rối trên mạng, họ chỉ suy nghĩ đơn giản rằng tắt máy tính, điện thoại đi là mọi việc sẽ kết thúc. Khi thực sự lắng nghe trẻ em gái, đặc biệt những em đã từng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng, chúng ta mới hiểu được phần nào những tổn thương về mặt tâm lý mà các em phải chịu đựng”.
Cùng chung quan điểm với định hướng của tổ chức Plan International, em Thùy Dương mong muốn gửi đi nhiều thông điệp truyền thông tích cực tới các bạn trẻ để ngăn chặn hành vi quấy rối trên mạng, đặc biệt khi em có cơ hội trở thành Giám đốc Quốc gia của một tổ chức phi chính phủ hoạt động về quyền trẻ em gái. “Tôi sẽ đồng hành cùng mạng lưới thanh niên của tổ chức Plan International Việt Nam tại tất cả các tỉnh thành để xây dựng những chiến dịch truyền thông hiệu quả, nhằm lên án và chấm dứt hành vi bắt nạt trên mạng xã hội. Đồng thời tôi sẽ hợp tác với chị Nhi, Tổng biên tập nhà sách Ehomebooks để phát triển bộ sách ý nghĩa giúp trẻ em gái cảm thấy an toàn hơn trên Internet”, Thùy Dương chia sẻ kế hoạch của mình.
Đại diện từ tổ chức Plan International và nhà phát hành sách Ehomebooks đã cam kết để cùng đi tới một mục đích chung, đó là xây dựng một môi trường mạng an toàn nơi trẻ em gái có thể tự tin lên tiếng mà không bị ngăn cản bởi những chỉ trích, phán xét không mang tính xây dựng. Bà Sharon Kane, ông Trịnh Minh Tuấn, em Thùy Dương và Ý Nhi cũng đã cùng ký thư ngỏ kêu gọi các nền tảng mạng xã hội hành động cho mục đích chung này. Tham gia ký thư tại https://plan-international.org/vi/toan-tren-mang-cho-tre-em-gai
Tại sự kiện, chiến dịch gây quỹ “Chắp cánh ước mơ” được thực hiện bởi Ehomebooks cũng được giới thiệu gần hơn tới cộng đồng. Khi mua một cuốn sách “Chắp cánh ước mơ cho trẻ em trên toàn thế giới”, bạn đã ủng hộ 6.000 đồng vào quỹ “Chắp cánh ước mơ” dùng để in tặng sách cho các em nhỏ đang được bảo trợ bởi Plan International Việt Nam. Tại sự kiện, nhiều hoạt động thú vị như vẽ thiệp, bookmark để gửi tặng trẻ bảo trợ cũng được tổ chức, thu hút sự tham gia nhiệt tình từ các em và phụ huynh. Chương trình gây quỹ diễn ra tại website: https://chapcanhuocmo.ehomebooks.vn/
Thảo Lan