Xã hội
Sự kiên cường của người vợ liệt sĩ ở Trà Vinh
04:57 PM 10/10/2017
(LĐXH) - Dù trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đau thương, mất mát nhưng người vợ liệt sĩ - người thương binh (suy giảm 25% khả năng lao động), Thạch Thị Binh ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh vẫn kiên cường vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục phát triển sản xuất và tiếp tục cống hiến một phần sức lực của mình cho quê hương, đất nước.
Là người con của quê hương xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, năm 1960 nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chồng bà là ông Thạch Sên tham gia đơn vị du kích xã Phong Phú. Là người mưu trí, dũng cảm, nhanh nhẹn, cùng với nhiều lần lập được chiến công nên năm 1961 chồng bà được phân công làm Xã đội phó. Ngày 15 tháng 02 năm 1962, chồng và em trai bà hy sinh trong trận chống càn ác liệt tại ấp 2, xã Phong Phú, để lại bà với mẹ già và đứa con thơ vừa tròn 7 tuổi.

Người vợ liệt sĩ - thương binh Thạch Thị Binh là biểu tượng của sự kiên cường của người phụ nữ Việt Nam

Nén đau thương, mất mát, với tình yêu quê hương và lòng căm thù quân xâm lược sâu sắc nên năm 1963, bà tham gia Hội Phụ nữ xã Phong Phú, bản thân không quản khó khăn vất vả, vừa lao động sản xuất nuôi dạy con thơ vừa tích cực tuyên truyền vận động bà con đấu tranh, góp gạo nuôi cách mạng, nắm bắt tình hình địch để báo tin cho cách mạng, rải truyền đơn, kêu gọi lính ngụy ra hàng...
Cuối năm 1963, gia đình tôi một lần nữa phải chịu nỗi đau khôn cùng khi anh trai bà - Thạch Xum, Ủy viên Ban binh vận xã Phong Phú đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Đau thương mất mát của bản thân càng tăng thêm tinh thần, nghị lực chiến đấu trong bà. Được anh em tín nhiệm, năm 1964 bà được đề bạt làm trưởng ban phụ vận xã.
Ngày 10/3/1970, trong lúc làm nhiệm vụ, bà bị trực thăng địch bắn bị thương, hiện còn 02 mảnh kim khí trong phổi, để lại thương tật vĩnh viễn 25%. Ngày 10/4/1971, đau thương chồng chất đau thương khi anh trai bà là Thạch Suông hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.
Năm 1973, trong lúc đi thư cho ông Thạch Nụm - Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời xã Phong Phú, bà bị địch bắt tại ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú và bị giam tại khám Lớn Trà Vinh. Qua hơn một năm giam giữ, mặc dù bị tra tấn rất rã man, nhưng bà vẫn kiên cường, quyết giữ bí mật đến cùng, không moi được thông tin nên bà được địch thả vào năm 1974. “Suốt bao tháng năm chiến đấu cùng đồng bào, đồng chí với biết bao gian khổ, nguy hiểm, nhưng tôi vẫn kiên cường vượt qua, không hề lui bước” - bà Thạch Thị Binh tâm sự. Sau khi về địa phương, bà tiếp tục đi thư cho cách mạng, sau giải phóng, bà công tác tại Hội Phụ nữ xã xuyên suốt đến năm 1988 mới nghỉ việc vì lý do sức khỏe.
Hòa bình lặp lại, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, bản thân bà là trụ cột gia đình, phải chăm sóc mẹ già và con thơ, tuy có đất canh tác nhưng mùa màng thất bát, vụ trúng vụ không, làm không đủ sống, thiếu trước hụt sau. Ban đầu do thiếu vốn, chưa hiểu biết về khoa học kỹ thuật nên việc phát triển kinh tế của gia đình gặp không ít khó khăn, sau này được các tổ chức hội trong xã tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và được vay vốn phát triển sản xuất cùng với sự chịu khó, chắt chiu dành dụm, từ đó mà thu nhập của gia đình tạm ổn và mua thêm được đất canh tác, phát triển kinh tế. Sau nhiều năm lao động cật lực, hiện nay bà đã mua được 12 công đất ruộng. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình khoảng 70 triệu đồng. Nhà ở cơ bản, sắm sửa tiện nghi đầy đủ, diện tích khoảng 72 m2.
Về cuộc sống gia đình, biết con thiếu thốn tình cha, bà đã ở vậy suốt hơn 50 năm, dành tất cả tình thương cho con. Con sinh ra trong cảnh nước mất, nhà tan, mồ côi cha từ nhỏ, vốn sẵn có truyền thống yêu nước, một phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc, năm 1977 ông tham gia công tác khoa giáo xã Phong Phú, liên tục đến năm 2009; khi về hưu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Phong Phú.
Với sự quan tâm thiết thực của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, chồng và 03 anh của bà đều được công nhận là liệt sĩ, mẹ bà được tuyên dương danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã góp phần làm vơi đi nỗi đau không gì bù đắp được của gia đình bà, giúp gia đình bà vượt qua đau thương, mất mát, không ngừng vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục phát triển sản xuất và tiếp tục cống hiến một phần sức lực của mình cho quê hương, đất nước.
Bản thân và gia đình bà luôn gương mẫu tham gia và vận động các hộ dân lân cận cùng tham gia đầy đủ các phong trào của địa phương phát động, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Giữ mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, phát huy truyền thông tốt đẹp của dân tộc, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, vận động mọi người chí thú làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước thoát nghèo... Qua thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, cuộc sống mới khu dân cư, gia đình bà nhiều năm liền được UBND xã công nhận gia đình văn hóa./.
Nguyễn Hiền