Lao động
Sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 của ILO
02:11 PM 29/05/2019
(LĐXH)- Sáng 29/5/2019, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày trước Quốc hội Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (gọi tắt là Công ước số 98 của ILO).
Sau đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo thuyết minh Công ước số 98 của ILO và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước này. 
Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện CNH - HĐH đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế xã hội. Cụ thể:
Về chính trị, việc gia nhập công ước góp phần khẳng định và thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là thành viên của ILO.
Về pháp lý, việc gia nhập công ước sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể một cách thực chất, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 
Về kinh tế - xã hội, việc gia nhập công ước góp phần giúp cho thương lượng tập thể được thực chất, hiệu quả hơn. Cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả sẽ góp phần làm giảm thiểu tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, hài hòa quan hệ lao động giữa các bên, tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo đảm công bằng xã hội tốt hơn, góp phần ổn định an ninh-chính trị, kinh tế-xã hội.
Trình bày Báo cáo thuyết minh về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung cho rằng: Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là một trong tám công ước cơ bản của Tổ chức ILO. Tính đến tháng 05/2019, trên thế giới đã có 166 trong tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và có ý nghĩa.
Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương và điều kiện lao động của người lao động được thực hiện dựa trên thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động, do vậy điều quan trọng là cần thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả, nhất là thương lượng tập thể về tiền lương, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Gia nhập và thực hiện Công ước 98 chính là thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo thuyết minh Công ước số 98 
"Việc gia nhập Công ước 98 là thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của Việt Nam với vai trò là thành viên của Tổ chức ILO; nhằm tăng cường cam kết chính trị và thực thi thực chất các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng; Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế; bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc gia nhập Công ước số 98 của ILO sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tăng cường quan hệ lao động hài hòa, tạo ra môi trường lao động ổn định, có thể dự báo và quản lý được các xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp lao động, đình công. Bên cạnh đó, thương lượng tập thể hiệu quả giúp doanh nghiệp và Chính phủ đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời dựa trên những thông tin thường xuyên thu thập được thông qua quá trình thương lượng, giúp đảm bảo sự ổn định trong chính doanh nghiệp, từ đó góp phần bảo đảm sự ổn định của từng địa phương và cả đất nước.
Công ước số 98 đề cập đến quyền tổ chức và thương lượng tập thể
Bên cạnh đó, hệ thống thương lượng tập thể minh bạch, hiệu quả góp phần làm cho việc phân chia thu nhập công bằng hơn ở cấp độ xã hội. Đây chính là chức năng quan trọng của quan hệ lao động. Trên thực tế việc hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu có xu hướng nới rộng khoảng cách giữa các thành phần kinh tế, giữa các nhóm người lao động khác nhau và tăng biến động trong xã hội, điều này có thể đe dọa sự gắn kết xã hội và bền vững lâu dài của phát triển kinh tế. Chính vì vậy, cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác trong quan hệ lao động như làm thêm giờ, bữa ăn giữa ca và các chế độ phúc lợi khác… Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, giúp cho sự phát triển đi theo đúng hướng, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại ở Việt Nam.
Thương lượng tập thể cũng là phương tiện để người sử dụng lao động và tập thể lao động thảo luận với nhau về những biện pháp tăng năng suất lao động, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế…
Chiều 29/5, các đại biểu Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về Công ước số 98 của ILO và dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)...

Chí Tâm