Xã hội
Sự cần thiết của công tác xã hội trong trợ giúp trẻ em gặp khó khăn về tâm lý
04:01 PM 28/09/2020
(LĐXH) Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội là nhiều vấn đề xã hội nảy sinh, trong đó là những tác động tiêu cực tới trẻ em, khiến chúng gặp phải những khó khăn về tâm lý và nảy sinh những nhu cầu cần được hỗ trợ, giúp đỡ giải quyết từ người lớn với những dịch vụ chuyên nghiệp dành cho chúng.
Tình trạng trẻ em có khó khăn về tâm lý khá phổ biến
Trẻ em gặp phải các vấn đề về tâm lý đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới hiện nay các bệnh tâm thần chiếm 15,4% gánh nặng về bệnh tật trên thế giới. Các bằng chứng cho thấy cứ 5 trẻ em thì có 1 em bị rối nhiễu tâm trí.
Tại Việt Nam, theo một kết quả khảo sát toàn quốc của Viện Tâm thần Quốc gia, 15% tổng dân số mắc phải 10 bệnh tâm thần phổ biến. Các cuộc khảo sát gần đây ở qui mô nhỏ cũng cho thấy khoảng 20% - 30% trẻ em mắc phải các vấn đề rối nhiễu tâm trí. Do nhận thức còn hạn chế, không ít người còn nhầm lẫn giữa sức khỏe tâm thần với bệnh tâm thần phân liệt, nhiều trường hợp đã phát hiện và xử trí muộn. Thậm chí những hành vi uống rượu, đua xe, hút thuốc... của trẻ cũng không được cha mẹ nhìn nhận là do căn nguyên từ sức khỏe tâm thần không tốt. Một cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam cho thấy một tỷ lệ không nhỏ  (khoảng 31%) trẻ vị thành niên và thanh niên có những trục trặc về tâm lý và cảm thấy thiếu tự tin vào bản thân. Điều đó cho thấy thực trạng trẻ em gặp khó khăn tâm lý hiện nay khá phổ biến trong cả nước.

Nhiều trẻ em ở bậc tiểu học gặp khó khăn khi giao tiếp và thiết lập mối quan hệ mới với thầy cô và bạn bè ở trường.

(Ảnh minh họa)

Dưới góc độ tâm lý lâm sàng, các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra: Những rối loạn cảm xúc như lo âu, trầm cảm làm giảm sút đáng kể sự phát triển và khả năng học tập của học sinh. Các rối loạn hành vi phá vỡ nghiêm trọng sự phát triển về mặt xã hội và có thể dẫn tới mắc các chứng bệnh về tâm thần lâu dài. Thông thường thời điểm các gia đình phát hiện ra con em mình bị bệnh thì đã quá muộn. Các em đã bị mắc các chứng bệnh về tâm thần khó chữa trị. Điều này khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng một chiến lược lâu dài và các biện pháp can thiệp mang tính chuyên ngành. Thực tế cho thấy, nếu không có sự quan tâm, can thiệp đúng mức của người lớn, của các cơ quan chức năng thì những hậu quả khôn lường như sang chấn tâm lý, trầm cảm, tâm thần phân liệt... có thể xảy đến với trẻ.

Do chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng một số trẻ vào lớp 1 có biểu hiện sợ học đường.

(Ảnh minh họa)

Nhìn chung, trẻ em nước ta hiện nay phải đối mặt với khá nhiều vấn nạn, khó khăn trong cuộc sống, bao gồm cả những khó khăn về thể chất, tâm sinh lý và hoàn cảnh sống. Tỷ lệ trẻ có những biểu hiện bất thường về sức khỏe tâm thần của nước ta tương đương với các nước trên thế giới. Tỷ lệ này tuy phổ biến tại nhiều quốc gia nhưng đây cũng là mức độ đáng quan tâm, đòi hỏi sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời của nhiều Bộ, ban, ngành, đơn vị, bởi hình ảnh của cha mẹ thường ảnh hưởng nhiều tới trẻ trong suốt 18 năm đầu đời, họ chính là thần tượng của trẻ trong gia đình, song có lẽ quan trọng hơn là tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng.
Nguyên nhân dẫn đến thương tổn tâm lý trẻ em đang là một vấn đề thu hút sự tham gia nghiên cứu của các chuyên gia liên ngành từ nhiều góc độ khác nhau như: Thần kinh, di truyền, quan hệ sớm, những sự kiện gây sang chấn trong gia đình, những biến động của xã hội, cách chăm sóc, giáo dục con em theo lối áp đặt (như ép ăn, ép học...).  Động lực để sống vui, khỏe, sáng tạo và phát triển luôn có nguy cơ bị nhấn chìm bởi sự đô thị hóa nhanh chóng, thay đổi cấu trúc gia đình, phân hóa giàu nghèo, biến đổi những chuẩn mực giá trị đạo đức. Các rối nhiễu tâm lý thường là do nhiều yếu tố tác động đồng thời, đan xen vào nhau. Thực chất có nhiều nguồn gốc dẫn tới tình trạng khó khăn tâm lý ở trẻ em.

Các em học sinh cuối cấp có nhiều khó khăn, rào cản dẫn đến những cú sốc về tâm lý, đời sống tinh thần.

Những nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng khó khăn tâm lý của trẻ em là: Do khủng hoảng phát triển lứa tuổi, đặc biệt là tuổi dậy thì, bắt đầu thay đổi cơ thể, tâm sinh lý, lần đầu xuất hiện kinh nguyệt, mộng tinh...; Do các vấn đề có nguồn gốc từ thực thể, sinh học: Thường gặp ở trẻ khuyết tật như trẻ bị câm, điếc,... hay trẻ bị bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y (ung thư, da liễu...), hoặc do những bệnh kéo dài trong thời gian nhất định, có thể chữa khỏi; Do các nguyên nhân liên quan đến môi trường sống, các tác động bên ngoài: Trẻ em nghèo, điều kiện sống khó khăn, trẻ em lang thang, trẻ em bị lạm dụng (xâm hại, trẻ bị phân biệt, đối xử, trẻ em trong gia đình có vấn đề, thiếu hụt thành viên hay chức năng (gia đình thiếu bố, mẹ hoặc cả bố, mẹ, gia đình ly hôn, bất hòa...), trẻ gặp áp lực học hành (stress kéo dài...), hoặc do trẻ gặp phải các tình huống xung đột điển hình trong cuộc sống (cãi vã với bạn bè, lo âu trước kì thi...) và có thể giải quyết, chấm dứt những khó khăn này trong một khoảng thời gian nhất định.
Những hoạt động trợ giúp trẻ có khó khăn về tâm lý
Trong hầu hết các trường hợp, gia đình là nơi gắn bó với trẻ nhất. Do đó, mỗi khi trẻ gặp phải những khó khăn về tâm lý, gia đình chính là nơi cần nhận biết và có biện pháp can thiệp sớm nhất. Với những đặc thù khác nhau, mỗi gia đình có mức độ nắm bắt và hành động khác nhau với trẻ khi chúng gặp khó khăn tâm lý.
Bên cạnh đó, trẻ có mối liên hệ mật thiết, gắn bó với các hệ thống gần gũi nhất với chúng. Do đó, mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, trẻ thường tìm đến những hệ thống này để tìm kiếm sự giúp đỡ. Mặc dù trẻ có xu hướng tâm sự, chia sẻ với bạn bè cùng lứa hơn là với gia đình nhưng đây vẫn là hệ thống có liên kết chặt chẽ với trẻ. Theo đánh giá, nhìn nhận của trẻ, khi chúng tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía gia đình, khả năng nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ người lớn là khá cao, tới 58,5% nhận được sự trợ giúp ở mức rất thường xuyên và thường xuyên. Những cũng có tới gần 1/5 số trẻ hiếm khi hoặc không bao giờ nhận được sự hỗ trợ này từ người lớn trong gia đình. Như vậy nghĩa là sự hỗ trợ trong gia đình hiện chưa đáp ứng hết nhu cầu và mong muốn của trẻ. Hơn nữa, sự hỗ trợ trong gia đình chủ yếu là khuyên nhủ, hướng dẫn. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng có kiến thức, kỹ năng về giáo dục, tâm sự và giúp đỡ con cái giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

Một buổi tư vấn cho học sinh của các thầy, cô giáo tư vấn học đường

Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội

Với sự hỗ trợ, cách thức giúp đỡ như vậy từ phía gia đình, không phải lúc nào trẻ cũng giải quyết được triệt để những cảm xúc tiêu cực, những khó khăn tâm lý của bản thân. Có tới 42,6% trẻ cảm thấy thỉnh thoảng, khá thường xuyên, hoặc rất thường xuyên không loại bỏ được sự buồn chán ngay cả khi đã nhận được sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè. Như vậy, cách thức can thiệp từ gia đình vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi, dù tỷ lệ tham gia khá cao.
Ngoài sự hỗ trợ không chuyên từ phía gia đình, trẻ em còn cần và có thể tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các dịch vụ xã hội, có sự tham gia của công tác xã hội.
Những dịch vụ tâm lý xã hội, công tác xã hội tiêu biểu dành cho trẻ em là:
- Dịch vụ mang tính chất phòng ngừa, Trung tâm giáo dục “Kỹ năng sống” cho trẻ em. Hiện nay, rất nhiều trẻ em chịu ảnh hưởng của các luồng văn hóa, thông tin xấu hoặc những áp lực trong cuộc sống mà không được chia sẻ, dẫn đến nhiều em bị mắc bệnh tự kỷ, thiếu tự tin, bi quan, chán nản, có lối sống tiêu cực. Đến với lớp kỹ năng này các em không những được giáo dục kỹ năng sống để thoát khỏi những vấn đề về tâm lý, mà còn giúp cho trẻ tự tin khẳng định bản thân, lễ phép, biết vâng lời người lớn, biết thể hiện tình thương yêu với mọi người.
Dịch vụ mang tính chất can thiệp: Công ty Cổ phần Tham vấn, Nghiên cứu và Tâm lý học cuộc sống (SHARE) là một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, can thiệp, hỗ trợ tâm lý có tính đến sự phù hợp với văn hóa Việt Nam nói chung và đặc trưng văn hóa mỗi cá nhân nói riêng, nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh về thể chất, tinh thần cho cá nhân, tổ chức và cộng đồng.
SHARE được thành lập tháng 7/2008 có trụ sở chính đặt tại Hà Nội và chi nhánh tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Các bác sỹ Viện Sức khỏe tâm thần tư vấn cho phụ huynh có con bị rối loạn tâm thần

Các mục tiêu mà SHARE hướng tới là: Cung cấp dịch vụ tham vấn tâm lý chuyên nghiệp, bảo mật cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn; Tổ chức những khóa tập huấn và những chương trình ứng dụng tâm lý học trong đời sống cá nhân, gia đình, trường học và công việc; Cung cấp những công cụ phát triển cá nhân nhằm ứng phó với những khó khăn tâm lý; Thúc đẩy các mối quan hệ tích cực và tăng cường sự lành mạnh về thể chất và tinh thần; Thúc đẩy việc thành lập mạng lưới những nhà tâm lý và tham vấn chuyên nghiệp ở Việt Nam; Cung cấp dịch vụ cố vấn chuyên nghiệp liên quan đến lĩnh vực tâm lý ở Việt Nam.
Công ty thiết kế và thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp; Cung cấp các dịch vụ tham vấn tâm lý cá nhân và nhóm; đồng thời thực hiện các nghiên cứu, chương trình đào tạo trong các lĩnh vực: Khó khăn, rối nhiễu tâm lý; Phát triển cá nhân; Mâu thuẫn, lạm dụng và tổn thương tâm lý; Tái hòa nhập xã hội; Vấn đề khuyết tật và nhóm yếu thế; Những vấn đề của vị thành niên; Giới và tình dục; Những vấn đề trong mối quan hệ gia đình; Những vấn đề về giáo dục; Phát triển tổ chức; Hoạt động nâng cao năng lực và phát triển chuyên môn nhằm liên tục cập nhật, trau dồi kiến thức và kỹ năng mới trên thế giới và của Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Thực tế cho thấy các dịch vụ dành cho trẻ em nói chung và dịch vụ về tâm lý trẻ em nói riêng đã hình thành và phát triển ở các  khu vực đô thị khá lâu nhưng tỷ lệ trẻ em biết đến những dịch vụ này không cao. Khi không có thông tin, bản thân trẻ và gia đình không thể tìm đến hay sử dụng những dịch vụ này, chưa kể đến chất lượng dịch vụ công tác xã hội. Điều đáng tiếc là hầu hết trẻ sống trong trung tâm bảo trợ xã hội không được tiếp cận với các dịch vụ tâm lý xã hội mỗi khi gặp khó khăn. Có tới gần 80% trẻ trong trung tâm không biết đến loại hình dịch vụ này. Đặc biệt, những trẻ nhỏ trong trung tâm hầu hết chưa từng nghe nói đến những loại hình dịch vụ này, chỉ những trẻ lớn hơn (từ 14 tuổi trở lên) mới biết đến chúng qua các phương tiện truyền thông như sách, báo, tivi... hoặc từ nhà trường, bạn bè...
Thực tế cho thấy, khi công tác xã hội đã chính thức tham gia vào công cuộc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, vai trò của nó trong lĩnh vực hỗ trợ trẻ em có khó khăn tâm lý càng trở nên quan trọng và ý nghĩa hơn. Công tác xã hội ở các nước tiên tiến đã đóng góp tích cực vào lĩnh vực này. Ở Việt Nam, công tác xã hội cũng có thể phát huy vai trò của mình trong việc tham gia can thiệp ở cả cấp độ vĩ mô và vi mô đối với việc hỗ trợ đối với trẻ em có vấn đề về tâm lý. Ở cấp độ vĩ mô thể hiện qua chiến lược can thiệp lâu dài. Nhân viên công tác xã hội với các hoạt động cụ thể, trực tiếp được kỳ vọng sẽ giúp đỡ những trẻ có khó khăn tâm lý có thể tiếp cận được với các dịch vụ và hòa nhập với cộng đồng.
Đặng Thị Thảo Lan