Văn hóa - Thể thao
Split - Những mảnh vỡ méo mó của một tâm hồn thương tổn
10:44 AM 23/02/2017
(LĐXH) ‘’Chúng ta tin mình là gì thì sẽ trở thành như vậy’’ (We are what we believe we are) là câu nói tóm lược toàn bộ nội dung bộ phim Split, bộ phim mới của đạo diễn gốc Ấn M. Night Shyamalan, với sự thủ vai vô cùng tài tình của nam diễn viên James McAvoy.
Bộ phim được bắt đầu với tiết tấu nhanh bằng việc đi ngay vào vấn đề chính. 3 cô gái trẻ bị 1 gã lạ mặt đeo kính đánh thuốc mê và bị đưa tới 1 căn phòng bí mật khóa kín. Sau vài lần tiếp xúc, họ nhận ra hắn mắc hội chứng Rối loạn đa nhân cách, nghĩa là nhiều nhân cách khác nhau cùng tồn tại trong một cơ thể. Không chỉ có 2 hay 3 nhân cách, mà tới tận......23 nhân cách thay phiên nhau kiểm soát cơ thể, trong đó có một vài nhân cách nổi bật chiếm ưu thế và hoạt động nhiều hơn phần còn lại. Điều đáng nói là các nhân cách chiếm ưu thế này lại tin vào sự tồn tại của nhân cách thứ 24 mang tên ‘’Quái Vật’’, và để đánh thức nhân cách đó cần phải “hiến tế” 3 cô gái kia cho hắn.
Các nạn nhân gặp gỡ nhân cách ''Hedwig'', 1 cậu bé 9 tuổi với tật ngắn lưỡi, ngây thơ nhưng không kém phần nguy hiểm
Khác với không khí ghê rợn trong trailer, đoạn giữa của phim bắt đầu chậm dần và sự việc ngày càng được giải thích rõ ràng thông qua sự xuất hiện của các nhân cách, đồng thời là sự giải thích về hội chứng Rối loạn đa nhân cách của bác sĩ Fletcher, người điều trị cho Kevin, kẻ gây án trong phim. Theo bà, mỗi nhân cách có một sở thích, ngoại hình, ưu nhược điểm riêng không liên quan tới những nhân cách còn lại, nếu các nhân cách này có thể thống nhất và hành động cùng nhau thì đó sẽ là một khả năng phi thường mà người bình thường không thể có được. Sai lầm của bà xuất phát từ việc cố thấu hiểu Kevin nên luôn cổ vũ cậu ta tin vào sự vượt trội của chính mình, khiến những nhân cách tiêu cực càng củng cố niềm tin vào hành động của mình. Càng có niềm tin, chúng càng trở nên mạnh mẽ với mục đích thức tỉnh ‘’Quái vật’’để lãnh đạo và bảo vệ cho tất cả các nhân cách khác.
‘’Chúng ta tin mình là gì thì sẽ trở thành như vậy’’, đó là điều mà Dennis, 1 trong những nhân cách tiêu cực đã nói với các nạn nhân. Mục tiêu tồn tại của hắn chính là bảo vệ 1 Kevin yếu đuối, thường xuyên bị mẹ bạo hành khi còn nhỏ, và điều đó đã ám ảnh hắn tới mức bất chấp tất cả, dù là giết người để hoàn thành mục đích. Nhìn từ góc độ của Kevin, các nhân cách của cậu được sinh ra để bù lấp vào những khoảng thời gian tuyệt vọng hay sợ hãi, và tất cả họ coi nhau như một gia đình, bảo bọc lẫn nhau chống lại sự dè bỉu, khinh khi của xã hội bên ngoài. Bản thân Kevin cũng có những nhân cách tốt như Barry, nhưng sau đó đã bị phần nhân cách tiêu cực lấn át và giành quyền kiểm soát.
Từ trái qua phải: Các nhân cách Hedwig, Patricia, Dennis, Barry
Thông qua bộ phim, người xem có thể thấy xã hội vẫn còn những định kiến với người mắc bệnh tâm lý, coi họ thấp kém và yếu thế hơn người khỏe mạnh, hoặc có những nhận định sai lầm về về họ. Bên cạnh đó, thực trạng về nạn bạo hành vẫn ngày một tiếp diễn, mà nạn nhân chính là Kevin và cả 1 trong 3 nạn nhân bị bắt. Sự thiếu sót về giáo dục nhận thức cho mọi người về tầm quan trọng của sức khỏe tâm lý và tác hại của việc bị bạo hành trong thời gian dài sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường cho chính nạn nhân và cả những người xung quanh.
Có thể nói, James McAvoy đã độc chiếm toàn bộ bộ phim với khả năng diễn xuất vô cùng tài tình của mình. Chỉ với 1 chút thay đổi nhỏ về trang phục, anh đã có thể biến thành một Dennis với vẻ ngoài trầm tĩnh và mắc chứng OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế), hay một quý cô Patricia có giọng nói hiền lành, điềm đạm và có chút điệu đà, hoặc cậu bé Hedwig 9 tuổi mắc tật ngắn lưỡi, thích mặc đồ sáng màu và khoái nhạc Kanye West. Càng về sau, dù trang phục vẫn giữ nguyên, khán giả vẫn có thể dễ dàng nhận ra các nhân cách khác nhau thông qua ánh mắt, giọng nói, cử chỉ ứng với từng người. Từng nổi tiếng với những vai diễn trong Atonement, Becoming Jane, Penelope…, James tiếp tục làm người xem ngỡ ngàng trước tài năng “muôn mặt’’ của anh.
Các vai nữ trong phim rõ ràng đã bị lu mờ trước vai phản diện quá xuất sắc của James. Vai  Casey Cooke của Anya Taylor-Joy tuy chiếm thời lượng ngang bằng James nhưng chưa thực sự thể hiện được tính cách nhân vật một cách rõ ràng, kể cả những lúc nhớ lại quá khứ bị bạo hành thì phản ứng của Casey vẫn khiến người xem khá khó hiểu và tự hỏi cô đang nghĩ gì.
Anya Taylor-Joy không để lại nhiều ấn tượng cho người xem
Không quá máu me, ghê rợn, Split tập trung vào vấn đề tâm lý trên khía cạnh khoa học và khiến người xem ám ảnh bởi những thứ đáng sợ nhất được tạo ra ngay trong chính đầu óc của con người, nó chi phối và hủy hoại tâm hồn theo một cách không ai có thể ngờ tới. Nếu đã chán với thể loại phim giải thích hành động kỳ lạ của con người qua ma quỷ và muốn tiếp cận theo góc độ khoa học, Split là một bộ phim kinh dị lý tưởng để ra rạp trong tháng này.
Phim Split: Tách biệt được khởi chiếu từ ngày 17/2 tại các cụm rạp trên toàn quốc.
Minh Ngọc