Xã hội
Sống thay cho người ngã xuống
03:34 PM 20/04/2017
LĐXH - Rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, đau lòng khi mất 3 người con mới chào đời, bà Trần Thị Lộc, 68 tuổi ở xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình chỉ biết cắn răng chịu đựng và không nguôi căm giận tội ác của kẻ thù đã rải chất độ hóa học xuống cánh rừng, nơi đơn vị của bà từng đóng quân cách đây hơn 40 năm...
Thanh niên xung phong lấp hố bom trong kháng chiến chống Mỹ (ảnh Internet)
Biết tin bà Lộc mới đi bệnh viện về, BCH Hội Cựu chiến binh (CCB), Hội Người cao tuổi (NCT), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tới hỏi thăm. Sau khi rót cốc nước mời khách, bà Lộc mở lời: “Quãng đời lính của tôi khi trở về rất đơn giản, chỉ vài bộ quần áo, hộp đựng kỷ vật lưu niệm và khen thưởng cùng chiếc ba lô con cóc, tấm thẻ thương binh hàng 4/4... Giai đoạn chiến tranh ác liệt, tôi thường nói với anh chị em trong đơn vị, nếu ai còn sống trở về phải sống cho đàng hoàng, vì không chỉ sống cho riêng mình mà còn phải sống thay cho những người đã ngã xuống...”
Năm 1966, bà Lộc tham gia lực lượng thanh niên xung phong tại đơn vị N134, P31 huyện Lệ Thủy. Đơn vị hoạt động được hơn 2 năm thì giải thể, riêng bà chuyển vào quân đội thuộc đơn vị vận tải Binh trạm 16, Đoàn 559. Thời điểm đó, bộ đội ta sống vô cùng gian khổ. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1971 mưa rừng tầm tã, đường đá tai mèo dựng đứng, đầy muỗi vắt. Đạn gùi đến bờ suối gặp lũ kẹt lại, cơm không nấu được, lương khô để ở kho xa, mọi người phải nhịn đói. Riêng phụ nữ càng khổ hơn vì 4-5 ngày không được thay giặt...
Năm 1973, sau khi ký Hiệp định Pa-ri, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, rút quân về nước. Cầu Hiền Lương nối lại những bờ vui, vùng giải phóng được mở rộng từ Cửa Tùng, Cồn Tiên, Tà Cơn, Làng Vây, Khe Sanh đến tận biên giới Việt - Lào. Những cánh rừng ngày nào bị máy bay Mỹ phun hóa chất cháy trơ trụi thì nay cây đã nảy mầm, xanh lá, chim chóc hót líu lo... Những đêm trăng thanh, trong khoảng lặng của chiến tranh, những người lính Trường Sơn, cả nam lẫn nữ ngồi trêm các mỏm đá dọc suối đàn hát, tâm tình. Và không ít người, trong đó có bà đã nên duyên chồng vợ từ những ngày tháng gian khổ nhưng đầy thi vị ấy...
Tặng quà tết cho các cựu binh Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng.
Chỉ tay lên tấm hình con gái Lê Thị Lan bị dị ứng chất độc da cam đã mất năm 25 tuổi, bà Lộc buồn rầu nói trong nước mắt: “Năm 2002, tuy đã được Bệnh viện huyện Lệ Thủy tận tình cứu chữa nhưng do bệnh hiểm nghèo, cháu đã trút hơi thở cuối cùng. Nó là đứa con ở với vợ chồng tôi lâu nhất, nặng tình với cha mẹ nhất, còn 3 cháu trước đều đã bỏ bố mẹ từ khi mới lọt lòng...”. Bà Lộc ngồi lặng yên, từng giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt...
Là người lính Cụ Hồ được rèn luyện và sống nhiều năm trong quân ngũ, thấu hiểu về chiến tranh và chất độc da cam nên bà Lộc thường lấy chuyện của những người có hoàn cảnh giống mình để tự an ủi và vượt qua nỗi đau tiếp tục sống có ích. Hiện, bà tham gia sinh hoạt Hội NCT, Hội CCB, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tích cực đóng góp cho phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới trên mảnh đất quê hương thân yêu của mình./.
Lê Công A (Lệ Thủy, Quảng Bình)