Lao động
Sơn La vượt mục tiêu giải quyết việc làm cho 23.150 lao động
03:17 PM 28/06/2019
(LĐXH)-Trong năm qua, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Lào Cai luôn được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, sự quan tâm phối hợp có hiệu quả của các ngành, các tổ chức đoàn thể của tỉnh.
Công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình việc làm ngày càng sâu, rộng và phong phú, thiết thực, hiệu quả. Qua đó nâng cao nhận thức của người lao động, giúp người lao động chủ động tự tạo việc làm cũng như chuyển đổi ngành nghề để có việc làm bền vững và tăng thu nhập cho bản thân người lao động, đảm bảo cuộc sống cho gia đình.
Nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được triển khai, thực hiện có hiệu quả đã thu hút được các doanh nghiệp đặc biệt một số doanh nghiệp lớn vào đầu tư đầu tư trên địa bàn tỉnh, hệ thống các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng, ổn định và mở rộng hơn. Trong năm 2018, có 486 doanh nghiệp được thành lập mới; đặc biệt là về lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Riêng lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2018 đã chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho khoảng 5.894 lao động, lĩnh vực công nghiệp đã chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho khoảng 4.115 lao động, lĩnh vực xây dựng đã chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho khoảng 2.802 lao động, lĩnh vực thương mại và dịch vụ đã chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho khoảng 3.776 lao động, lĩnh vực du lịch đã chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm mới cho khoảng 1.000 lao động.
Năm 2018, lĩnh vực nông nghiệp ở Sơn La đã chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho khoảng 5.894 lao động
Hệ thống thông tin thị trường lao động ngày càng được hoàn thiện, cơ sở dữ liệu thông tin thị thường lao động thường xuyên được cập nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận kịp thời các thông tin về việc làm, lựa chọn việc làm phù hợp với khả năng và trình độ của người lao động; thông tin thị trường đã giúp cho người sử dụng lao động tuyển dụng được người lao động đáp ứng với công việc của doanh nghiệp, giúp người lao động gắn bó lâu dài với đơn vị. Năm 2018 thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh đã tổ chức tư vấn chính sách lao động, học nghề, việc làm và xuất khẩu lao động cho 8.701 lượt người.
Thực hiện chương trình đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, năm 2018 Sơn La đã tổ chức 02 đợt  đăng ký dự thi tiếng Hàn cho 49 lao động trên địa bàn tỉnh Sơn La, kết quả: Đợt 01 có 14 người thi đạt tiếng Hàn theo chương trinh EPS, hiện 12 người (01 người bỏ không đi, 01 người bị viêm gan B không đủ điều kiện làm hồ sơ) đang hoàn thiện hồ sơ gửi về Trung tâm Lao động ngoài nước chờ xuất cảnh; đợt 02 đã có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiên thức tiếng Hà cho người lao động năm 2019. Hiện đã có 50 người lao động xuất cảnh đi làm việc tại các nước: Hàn Quốc (12 lao động), Nhật Bản (27 lao động), Đài Loan (10 lao động) và Ả rập xê út (01 lao động).
Sơn La cũng tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các Sở, ban ngành, UBND các huyện Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh triển khai xây dựng kế hoạch, tổ chức giải ngân dự án vốn vay tạo việc làm. Năm 2018, tổng nguồn vốn vay giải quyết việc làm năm 2018 là 62.975 triệu đồng với 1.625 dự án và tạo việc làm cho 1.714 lao động.
Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, năm 2018, chương trình giải quyết việc làm tỉnh Sơn La đã có nhiều khởi sắc, tạo việc làm mới cho 23.150 lao động trên địa bàn toàn tỉnh, đạt 134,6% so với kế hoạch ban đầu và 100,7% kế hoạch sau khi điều chỉnh. Đảm bảo cơ cấu lao động theo hướng hợp lý: nông, lâm, ngư nghiệp là 70,9%; công nghiệp và xây dựng là 14,5%; thương mại, dịch vụ và du lịch 14,6%; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 3,92%.
           
Tuy nhiên, công tác giải quyết việc làm tỉnh Sơn La vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do địa bàn miền núi rộng lớn, cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, điện, thông tin... ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất, thu hút hút doanh nghiệp lớn vào đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, cũng như khả năng tìm việc làm và tự tạo việc làm đối với người lao động.  Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư đã triển khai thực hiện song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động trên địa bàn ; trình độ, kỹ năng nghề của người lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo còn nhiều bất cập. Cùng với đó, công tác xuất khẩu lao động chưa tạo thành phong trào chủ yếu do tâm lý của gia đình và bản thân người lao động đều không muốn đi làm việc xa nhà, xa quê hương, đồng thời do trình độ ngoại ngữ, tình trạng thể lực của người lao động cũng là nguyên nhân gây nên hạn chế trong công tác xuất khẩu lao động.
Trong năm 2019, Sơn La phấn đấu sẽ nỗ lực khắc phục mọi khó khăn nhằm tạo việc làm mới cho lao động, nhất là lao động nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo bền vững ở tỉnh./.
Mỹ Hạnh