Lao động
Sơn La: Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật lao động, ngăn ngừa mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong doanh nghiệp
11:38 AM 13/12/2019
(LĐXH) Năm 2019, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được tăng cường và phát huy được tính hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động, qua đó góp phần quan trọng vào việc hạn chế, ngăn ngừa những tranh chấp lao động phát sinh trong doanh nghiệp.
Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La tính đến 31/8/2019 khoảng 3.195 doanh nghiệp (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện), tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ước khoảng 57.080 lao động.
Nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động; thường xuyên hướng dẫn các doanh nghiệp và người lao động thực hiện ký kết Hợp đồng lao động, đăng ký nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể… theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động 2012. Trong năm 2019, Sở đã tiếp nhận và hướng dẫn cho 29 lượt doanh nghiệp đăng ký xây dựng Thỏa ước lao động, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng 14 Nội quy lao động đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật;  Tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi sang công ty cổ phần xây dựng phương án sử dụng lao động và giải quyết chế độ lao động dôi dư cho người lao động.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng hòa giải, phát huy vai trò của các hòa giải viên lao động trong việc giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của các bên liên quan trong quan hệ lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sơn La đã tham mưu với UBND tỉnh kiện toàn Hội đồng Hòa giải viên lao động với số hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh là 42 người, đồng thời ban hành Qui chế làm việc của Hội đồng trọng tài tỉnh Sơn La.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động tại Công ty Thủy điện Sơn La
Tỉnh cũng mở một số lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hòa giải viên lao động với sự tham gia của các hòa giải viên trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua Hội nghị đã tiến hành phổ biến, hướng dẫn các qui định của pháp luật như: Nghị định 46/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về giải quyết tranh chấp lao động; Quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường; Pháp luật về hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp; Quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia quan hệ lao động..., từ đó trao đổi kinh nghiệm trong công tác hòa giải tại doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng hòa giải, phát huy vai trò của các hòa giải viên lao động trong việc giải quyết hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan trong quan hệ lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải nên từ nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La chưa xảy ra các vụ đình công, tranh chấp lao động lớn, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và an ninh, trật tự trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo qui định tại Nghị định 46/2013 ngày 10/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, hòa giải viên lao động được Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm để hòa giải tranh chấp lao động và tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề theo qui định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh luôn có sự biến động do nghỉ hưu, chuyển công tác và nghỉ việc nên hoạt động hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh giữa người sử dụng lao động và người lao động còn gặp nhiều khó khăn.
Mỹ Linh